Có 2 mục tiêu trong học tập: Bạn đang theo đuổi mục tiêu nào?
Theo Giáo sư Tâm lý học Carol Dweck tại Đại học Stanford (Mỹ), trong học tập có 2 loại mục tiêu đó là mục tiêu thể hiện và mục tiêu học hỏi. Theo GS Dweck, hai mục tiêu này đều có thể hỗ trợ bạn đạt thành tựu, nhưng chỉ có một mục tiêu dẫn tới sự làm chủ.
Để phân biệt 2 loại mục tiêu này, có thể xét ví dụ học tiếng Anh. Đạt điểm cao là mục tiêu thể hiện, còn nói được tiếng Anh là mục tiêu học hỏi. Theo Giáo sư Carol Dweck, cả hai loại mục tiêu này đều hết sức bình thường và phổ biến, và chúng đều có thể hỗ trợ bạn đạt thành tựu. Nhưng chỉ có một mục tiêu dẫn tới sự làm chủ.
Trong việc học tiếng Anh, đạt điểm cao là mục tiêu thể hiện, còn nói được tiếng Anh là mục tiêu học hỏi. Ảnh minh họa
Trong vài nghiên cứu khác nhau, Dweck nhận thấy rằng đưa cho trẻ một mục tiêu thể hiện (ví dụ như đạt điểm cao trong bài thi) sẽ hiệu quả trong một số tình huống, nhưng thường nó sẽ làm cản trở khả năng của trẻ trong việc vận dụng kiến thức vào tình huống mới.
Ví dụ, trong một nghiên cứu, Dweck và đồng nghiệp yêu cầu các học sinh phổ thông học một bộ nguyên tắc khoa học, họ đặt ra cho một nửa số học sinh mục tiêu thể hiện, nửa còn lại có mục tiêu học hỏi.
Sau khi cả hai nhóm đã đọc hiểu tài liệu, các nhà nghiên cứu yêu cầu các em vận dụng kiến thức để giải một số bài tập có liên quan nhưng không giống hệt như những gì các em vừa học. Kết quả là các học sinh có mục tiêu học hỏi đạt được điểm số cao hơn rất nhiều trong các bài tập mới. Các em cũng học lâu hơn và thử nhiều phương án hơn.
Giáo sư Carol Dweck kết luận: “Khi có mục tiêu học hỏi, học sinh không phải học để cảm thấy mình đã giỏi ở môn gì đó và các em sẽ tiếp tục phấn đấu. Suy cho cùng thì mục tiêu của các em là học hỏi, chứ không phải chứng minh rằng mình thông minh.”
Xét theo phân tích của Giáo sư Carol Dweck, tình trạng học tập chú trọng vào việc đạt điểm cao ở đa số các trường học ở Việt Nam chính là việc học tập với mục tiêu thể hiện, chứ không phải với mục tiêu học hỏi.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều yếu tố thúc đẩy cho việc học tập theo mục tiêu thể hiện ở nền giáo dục Việt Nam, trong đó có việc các giáo viên, nhà trường được đánh giá theo học lực của học sinh, rồi các phụ huynh cũng chỉ muốn con em mình có điểm số đẹp… Những tiêu chí xếp hạng, phân loại thi đua dựa trên điểm số của học sinh đã cùng đóng góp cho việc đẩy mạnh học tập cho mục tiêu thể hiện.
Việt Nam là một trong nhiều nước trên thế giới đang tồn tại cách thức học tập chạy theo điểm số. Trong khi đó, Tiến sĩ Shimi Kang - tác giả cuốn sách “Nuôi dạy con kiểu cá heo” (NXB Thế giới) nhận định lớp học truyền thống đánh đồng trí thông minh với điểm số cao đã trở nên lỗi trời trong thời đại ngày nay khi công nghệ và máy móc phát triển.
Lớp học truyền thống đánh đồng trí thông minh với điểm số cao đã trở nên lỗi thời trong thời đại ngày nay khi công nghệ và máy móc phát triển. Ảnh minh họa
Trước đó, trong suốt thế kỷ 19 và gần hết thế kỷ 20, thông tin không dễ tiếp cận như hiện nay, và người có nhiều kiến thức nhất là những người đáng giá nhất. Điểm thi và thứ hạng là cách dễ dàng để nhận diện những người có nhiều kiến thức nhất. Khi đó, các trường học bắt đầu tập trung vào điểm thi và các phụ huynh cũng vậy, họ là những người thường xuyên thúc giục con cố gắng đạt được điểm số tốt nhất có thể.
Theo Tiến sĩ Shimi Kang, điều này vô cùng có lý vào một trăm năm trước, song lại trở nên lạc hậu vào thời nay. Nhờ công nghệ, việc biết câu trả lời đúng không còn quan trọng nữa, mà là phải hỏi đúng câu hỏi. Chúng ta không cần phải biết hết mọi dữ liệu, nhưng chúng ta thực sự cần có khả năng phân biệt những dữ liệu có ích với dữ liệu không có ích.
Từ những phân tích của Giáo sư Carol Dweck và Tiến sĩ Shimi Kang, có thể thấy rằng việc thay đổi chiến lược học tập trong thời đại ngày nay là điều rất quan trọng, và nếu không tỉnh táo nhận ra điều đó và điều chỉnh, thì nền giáo dục dễ đi theo lối mòn của tư duy giáo dục từ hàng trăm năm trước đã trở nên không còn phù hợp.
“Hiện tượng giáo dục thần kỳ” Phần Lan
Trong khi nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á vẫn đuổi theo chiến lược học tập truyền thống lấy điểm số làm trọng tâm, thì đã có một số nước nhanh nhạy thay đổi phương pháp giáo dục, trong đó Phần Lan là một điểm sáng.
Vào năm 1963, chính phủ Phần Lan quyết định thực hiện kế hoạch táo bạo khi chọn lĩnh vực cải cách giáo dục công lập trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Nhiều thay đổi đã được thực hiện, trong đó có việc nâng cao chất lượng giáo viên; trao quyền tự chủ cho giáo viên; hủy bỏ chế độ dùng điểm số để phân chia thứ bậc…
Giáo viên Phần Lan không bị đánh giá qua điểm số của những học sinh mà họ dạy.
Hiện nay tại Phần Lan, giáo viên không bị đánh giá qua điểm số của những học sinh mà họ dạy. Học sinh Phần Lan không có bất kỳ một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc nào ở bậc giáo dục cơ bản, đến tận năm 16 tuổi các em mới phải tham gia một kỳ thi cuối năm lớp 9 khi tốt nghiệp THCS. Đặc biệt, ở Phần Lan không hề có xếp hạng, so sánh hoặc cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay khu vực.
Những cải cách giáo dục để chuẩn bị cho trẻ em học cách học như thế nào, chứ không phải cách để thi, đã đem lại cho Phần Lan những thành quả giáo dục ấn tượng khi đứng vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng toàn cầu.
Đến nay, khi đã trở thành một “hiện tượng giáo dục thần kỳ”, Phần Lan không khẳng định rằng hệ thống giáo dục của mình là hoàn hảo. Họ không ngừng điều chỉnh và cải thiện hệ thống này, không ngừng nghiên cứu để nó có thể tương thích được với những thay đổi mới nhất của xã hội và sự phát triển của khoa học.