Dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng xuất hiện ở Tương Dương
(Baonghean.vn) - Ổ dịch bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã Thạch Giám (Tương Dương) khiến người dân hết sức lo lắng.
Người dân trên địa bàn bản Cây Me, xã Thạch Giám cho hay, bệnh lở mồm long móng xuất hiện từ khoảng tháng 11/2017 đến nay. Bò là vật nuôi chủ yếu mắc bệnh. “Bò bị bong tróc móng, miệng có bọt, bỏ ăn” - bà Lô Thị Thu, một hộ chăn nuôi trên địa bàn nói về triệu chứng của căn bệnh.
Cán bộ thú y và nông nghiệp ở Tương Dương kiểm tra tình hình dịch lở mồm long móng ở bản Cây Me. Ảnh: Hồ Phương |
Nhà ông Lô Văn Thành trú bản Cây Me nuôi 12 con bò lớn nhỏ. Đến thời điểm này cả đàn bò đều đã nhiễm bệnh lở mồm long móng. Hiện nay gia đình đang chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian trong cộng đồng. Theo ước tính của ban quản lý thôn bản hiện có khoảng trên 30 con, chủ yếu là bò còn mắc bệnh.
“Đã lâu lắm rồi bản mới lại xuất hiện dịch nên người dân rất lo lắng. Bà con đã cố gắng chữa bệnh bằng phương pháp dân gian nhưng vì trâu bò chủ yếu thả trên rừng nên khó thống kê được chính xác số lượng vật nuôi mắc bệnh. Nhiều hộ nuôi thành đàn nên không thể đưa về nhà vì mùa đông hiếm cỏ lắm” - ông Lô Văn Hoàng, trưởng bản Cây Me phân bua khi nói về nguyên nhân bà con vẫn nuôi gia súc theo hình thức chăn thả. Cũng theo ông Hoàng hiện nhiều cá thể đang phục hồi sức khỏe và đã ăn cỏ trở lại. Và may mắn chưa có con nào chết vì lở mồm long móng.
Một số cá thể trâu ở bản Cây Me cũng nhiễm bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Hữu Vi |
Ngoài dịch lở mồm long móng, ở địa bàn xã Thạch Giám còn xuất hiện bệnh tụ huyết trùng trên gia súc. Ông Lô Văn Vui, cán bộ Nông lâm xã Thạch Giám cho hay trong những ngày đầu năm 2018 này đã có 13 con bò chết vì bệnh tụ huyết trùng, riêng bản Cây Me có 7 con chết. “Tụ huyết trùng khi đã phát bệnh gần như không cứu chữa được. Vật nuôi thường chết sau một vài tiếng đồng hồ", - ông Vui cho biết thêm.
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp và thú y huyện Tương Dương, trước tình hình dịch lở mồm long móng và tụ huyết trùng, các cấp ngành đã vào cuộc quyết liệt. "Cùng với công bố dịch, chúng tôi đang khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn bệnh dịch lây lan trên diện rộng. Đặc biệt không để người dân dùng thịt gia súc chết làm thức ăn mà cho tiêu hủy ngay" - một cán bộ thú y cho biết.Trao đổi về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Tương cho biết: Ngay từ khi có thông tin về ổ dịch tại bản Cây Me, chính quyền huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác dập dịch. Đây là giai đoạn gần Tết, thời điểm bà con chuẩn bị hàng Tết, trong đó có các sản phẩm thịt trâu, bò, vì vậy việc kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn ra thị trường.