Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Israel tới Ấn Độ

Thúy Ngọc 15/01/2018 17:42

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang có chuyến thăm 6 ngày tới Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại và quốc phòng. Chuyến thăm được đánh giá là “lịch sử” bởi đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Israel tới thăm Ấn Độ sau 15 năm.

Sự đáp lễ thân tình

Trong chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Israel hồi tháng 7/2017, ông Benjamin Netanyahu và Narendra Modi đã xuất hiện trước giới truyền thông với hình ảnh đôi bạn thân thiết khi cùng nhau cười đùa vui vẻ, trao nhau những cái ôm nồng ấm, cùng nhau dạo biển chân trần ven bờ biển Dor ở Haifa, rồi những lời nhắn gửi viết tay…

Hai nhà lãnh đạo đã rất nhiều lần gọi nhau là “người bạn tốt” trong các dòng đăng tải trạng thái trên mạng xã hội. Khi tiễn Thủ tướng Modi về nước, ông Netanyahu còn nhắn gửi lời hẹn “chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra tận sân bay đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (AP)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra tận sân bay đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (AP)

Lời hẹn ước ấy đã trở thành hiện thực sau đúng nửa năm khi Thủ tướng Israel Netanyahu tới Ấn Độ trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dành cho ông Netanyahu một sự bất ngờ khi ra tận sân bay đón ông, bởi theo kế hoạch trước đó, sẽ chỉ có một bộ trưởng trong nội các của ông Modi thay mặt ông đón khách.

Và ngay lập tức, cụm từ “bạn thân của tôi” lại xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông. Trong khi ông Narendra Modi đăng tải trên Twitter “Chào mừng bạn của tôi, Netanyahu. Chuyến thăm của bạn tới Ấn Độ có ý nghĩa lịch sử và đặc biệt, giúp củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước chúng ta”, thì ông Netanyahu cũng đáp lại bằng những lời “có cánh”: "Cảm ơn bạn thân của tôi, người đã làm tôi ngạc nhiên khi đã đón tôi tại sân bay. Chúng ta sẽ cùng nhau đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới”.

Diễn ra vào thời điểm Israel và Ấn Độ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của ông Benjamin Netanyahu không chỉ được nhìn nhận là một sự đáp lễ mang tính chất ngoại giao.

Đằng sau những lời nói thể hiện sự thân tình của một đôi bạn, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận những vấn đề hợp tác rất thực chất, thể hiện bởi hàng loạt các thỏa thuận quan trọng được ký kết trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, quốc phòng và cả điện ảnh trước sự chứng kiến của 130 đại diện doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Những ràng buộc lợi ích

Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Israel Netanyahu đã nhận định Ấn Độ là một “cường quốc quan trọng” và khẳng định mong muốn thúc đẩy mối quan hệ song phương. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ mức 200 triệu USD năm 1992 lên mức 4,16 tỷ USD vào năm 2016.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với kim ngạch thương mại hàng năm lên tới gần 40 tỷ USD giữa Israel với những đối tác lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bởi vậy, quan hệ Israel và Ấn Độ vẫn còn tiềm năng phát triển rất lớn.

Quân đội Ấn Độ
Ấn Độ hiện nay là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Israel. Ảnh Internet

Theo phản ánh của các doanh nghiệp Israel, quy định pháp lý của Ấn Độ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khá phức tạp, có sự chênh lệch giữa quy định của các tiểu bang với quy định chung của quốc gia.

Bởi vậy, đây là một trong những điểm cần khắc phục nếu muốn đẩy mạnh thương mại song phương tăng 25% trong vòng 4 năm tới như mục tiêu mà ông Narendra Modi và Netanyahu đặt ra.

Bù lại cho quan hệ thương mại còn khá khiêm tốn, quốc phòng là lĩnh vực hợp tác rất mạnh và cũng là trọng tâm trong quan hệ giữa Ấn Độ và Israel. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được triển khai từ rất sớm, khi Israel viện trợ quân sự cho Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Trung - Ấn hồi năm 1962 cũng như hai cuộc chiến tranh với Pakistan sau đó vào những năm 1965 và 1971.

Ngược lại, khi Israel vướng vào “cuộc chiến 6 ngày” với các nước thuộc khối Arab, Ấn Độ cũng đã trợ giúp kịp thời khi gửi tới Israel các loại phụ tùng cho máy báy chiến đấu cũng như các loại xe tăng AX-13 do Pháp chế tạo.

Đến cuối những năm 1990, Israel tiếp tục cung cấp cho Ấn Độ loại tên lửa phòng không tiên tiến Barak 1 có khả năng đánh chặn tên lửa Harpoon của Mỹ được triển khai tại Pakistan.

Mới đây nhất, vào tháng 4 năm 2017, Ấn Độ và Israel đã ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD cho hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến, có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa và máy bay không người lái trong tầm bắn 70 km.

Ấn Độ hiện nay là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Israel, chiếm tới 42% tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Israel trong giai đoạn 2012-2016. Ngược lại, Israel cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Ấn Độ sau Nga và Mỹ.

Vượt qua rào cản

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong quan hệ giữa Israel và Ấn Độ là một mối quan hệ khác, đó là quan hệ giữa Ấn Độ và Palestine. Trong quá khứ, Ấn Độ có mối quan hệ thân thiết với Palestine và từng nhiều lần ủng hộ người Palestine trên các diễn đàn đa phương.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ngoài thế giới Arập công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine là đại diện hợp pháp cho nhân dân Palestine vào năm 1974, và sau đó trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine vào năm 1988.

Trong quá khứ, các chuyến thăm của những thủ tướng Ấn Độ tới Israel thường kết hợp với thăm Palestine. Trước chuyến thăm tới Israel hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để tái khẳng định sự ủng hộ truyền thống của Ấn Độ đối với một quốc gia Palestine “độc lập và hòa bình với Israel”.

Ấn ĐỘ
Thủ tướng Narendra Modi trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: Internet

Mới đây nhất, trong phiên bỏ phiếu của Liên Hợp quốc, Ấn Độ cũng đã bỏ phiếu phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Dù Đại sứ Israel tại Ấn Độ Daniel Carmon đã nói rằng, mối quan hệ Israel - Ấn Độ mạnh mẽ hơn nhiều so với một cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp quốc, song giới phân tích nhận định đây chỉ là một tuyên bố mang tính ngoại giao nhằm tạo không khí thuận lợi cho chuyến thăm của ông Netanyahu.

Hiện tại, hai nhà lãnh đạo đang cố gắng cho thấy họ sẵn sàng vượt qua những bất đồng để thúc đẩy mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Nhưng về lâu dài, quan hệ Israel - Ấn Độ có thực sự lên được “tầm cao mới” như tuyên bố của “hai người bạn” Benjamin Netanyahu và Narendra Modi, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cân bằng của ông Modi giữa Israel và Palestine.

Thúy Ngọc