Xử phạt vi phạm hành chính 46 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường
(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được đưa tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành Tài nguyên – Môi trường tỉnh Nghệ An diễn ra sáng 16/1.
Đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tham mưu nhiều văn bản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật là tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU, ngày 11/8/2017 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu quả sử dụng đất tỉnh Nghệ An"; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2035; kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020, có tính đến 2030...
Để đảm bảo nâng cao công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên – môi trường trên địa bàn tỉnh, trong năm, Sở đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các nhiệm vụ của ngành, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Kết quả, Chánh Thanh tra Sở ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 46 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, môi trường, đo đạc và bản đồ; với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng; tham mưu UBND tỉnh xử phạt 7 tổ chức trong lĩnh vực khoáng sản, với tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng và đóng 37 khu vực mỏ.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Võ Duy Việt giải trình một số vấn đề địa phương kiến nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Tại hội nghị trực tuyến, nhiều địa phương đề xuất UBND tỉnh và Sở Tài nguyên – Môi trường quan tâm tháo gỡ nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018.
Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò nêu hiện tại trên địa bàn còn có 600 hồ sơ cấp GCNQSDĐ tồn đọng; bên cạnh do phía người dân chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục thì vấn đề khó khăn nhất có một số hồ sơ do cấp đất trái thẩm quyền nhưng không phù hợp quy hoạch. Vì vậy, đề nghị tỉnh kiến nghị với Bộ Tài nguyên – Môi trường có cơ chế tháo gỡ vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, trên địa bàn huyện có trên 5.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó vướng mắc nhất là không có hồ sơ gốc để chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, nên khó khăn cho huyện.
Liên quan đến cấp GCNQSDĐ nông nghiệp, đại diện thành phố Vinh, huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường chỉ đạo các đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ địa chính để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Đo đạc cắm mốc hành lang giải tỏa dự án trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh tư liệu |
Giải trình các vấn đề các địa phương quan tâm, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Võ Duy Việt yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại các dạng tồn đọng hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình; hồ sơ nào có thể giải quyết được thì tập trung, hồ sơ nào vướng mắc thì đề xuất với Sở để cùng phối hợp xử lý.
Chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chậm, ông Võ Duy Việt khẳng định, Sở sẽ đưa vào kế hoạch năm 2018 với việc sẽ ưu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục thành lập 3 đoàn công tác để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành trong năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh đánh giá cao những đóng góp cũng như chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng yêu cầu ngành Tài nguyên – Môi trường tỉnh tập trung rà soát, tập hợp những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra từ thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện các dự thảo về sửa đổi, bổ sung các quy định của UBND tỉnh về thi hành Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt quan tâm đối với chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận cho người dân; khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện chỉ số cạnh tranh PCI cấp tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên – Môi trường và các địa phương, đơn vị chú trọng triển khai các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy hoạch đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra; chú trọng đôn đốc xử lý sau thanh tra, kiểm tra đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, chỉ cho phép hoạt động khi đã hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Đinh Viết Hồng chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện đề án cải cách hành chính theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh; tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực tài nguyên – môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…