Người lao động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai được làm ít hơn 8 giờ/tuần
Quy định đặc biệt cho người lao động làm việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai: Người lao động (NLĐ) làm việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai làm việc tối đa là 8 giờ/ngày và tối đa là 40 giờ/tuần, ít hơn 8 giờ so với NLĐ làm công việc bình thường.
Ảnh minh họa. |
Đây là quy định được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành tại Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai có hiệu lực từ ngày 20/2/2018.
Theo đó, đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có sử dụng hoặc huy động cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là NLĐ) làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
NLĐ làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc Cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện và bộ phận thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã (sau đây gọi chung là Văn phòng) hoặc tại khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thông tư này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ và NLĐ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, thời gian làm việc của NLĐ làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai có những điểm khác biệt so với NLĐ làm công việc bình thường. Cụ thể, thời giờ làm việc tối đa là 8 giờ/ngày và tối đa là 40 giờ/tuần, ít hơn 8 giờ so với NLĐ làm công việc bình thường quy định tại Bộ luật Lao Động 2012. Số giờ làm thêm không vượt quá 4 giờ/ngày và tổng số giờ làm thêm không được vượt quá 300 giờ/năm.
Ngoài ra, NLĐ thực hiện chế độ thường trực 24/24 được bố trí chế độ nghỉ bù trực và hưởng nguyên lương. Trực vào ngày thường được nghỉ bù 1 ngày vào ngày làm việc sau phiên trực. Trực vào ngày nghỉ hàng tuần, lễ, tết được nghỉ 2 ngày làm việc sau phiên trực.
Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/2/2018.