Thành lập BSF, Mỹ âm mưu thay đổi bản đồ chính trị tại Syria?
Việc thành lập Lực lượng an ninh biên giới (BSF) sẽ khuyến khích những nỗ lực chia tách Syria của các lực lượng ly khai.
Kế hoạch của liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu cùng với các đồng minh trong Lực lượng dân chủ Syria (SDF) thành lập Lực lượng an ninh biên giới (BSF) tại miền bắc Syria, sẽ thúc đẩy phong trào ly khai tại quốc gia Trung Đông này.
Mỹ toan tính gì khi thành lập Lực lượng an ninh biên giới Syria?
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Đại diện phe đối lập chính Syria tham gia cuộc đàm phán hòa bình tại Astana, Kazakhstan, ông Fateh Hassoun hôm 15/1 cho biết, việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria có thể khuyến khích các nỗ lực chia tách Syria của các lực lượng ly khai, lâu dần sẽ khiến bản đồ chính trị Syria thay đổi. Cũng theo quan chức này, Mỹ đang toan tính nhiều mục tiêu khác nhau khi đưa ra kế hoạch nêu trên.
Lực lượng dân chủ Syria ăn mừng chiến thắng tại Raqqa. Ảnh: Businessinsider. |
“Mục đích đầu tiên của việc thành lập BSF là ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các lực lượng vũ trang dọc biên giới giữa nước này với Syria. Mục đích thứ hai là tạo ra một khu vực có các đường biên giới được đảm bảo an ninh song đòi hỏi chia tách khỏi Syria. Ngoài ra còn những mục tiêu khác vẫn chưa được tiết lộ”, ông Fateh Hassoun nói. Vị quan chức này cũng cho rằng, với kế hoạch trên, Mỹ đang ôm tham vọng vượt Nga trở thành quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Trước đó hôm 13/1, trang tin Defense Post dẫn lời người phát ngôn của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu nêu rõ, liên minh này đang tham gia huấn luyện khoảng 30.000 binh sỹ tại phần lãnh thổ bên trong Syria do SDF kiểm soát để duy trì an ninh khu vực biên giới Syria.
Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ các vùng lãnh thổ do SDF giành lại từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dọc tuyến biên giới phía bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, phần giáp với Iraq ở phía đông nam và vùng dọc thung lũng sông Euphrates.
Liên quan vấn đề này, hãng tin RT (Nga) dẫn lời chuyên gia phân tích an ninh và chính trị Trung Đông Omar Nashabe cho biết, trong bối cảnh IS đang bị đánh bại tại Syria thì Mỹ hiện nay để mắt đến việc xây dựng một vùng đặc khu bên trong lãnh thổ Syria, có nghĩa là một nhà nước nhỏ bên trong một nhà nước lớn. Đó là lý do tại sao Mỹ dùng thuật ngữ “biên giới” khi nói đến lực lượng an ninh sắp được thành lập. Như vậy ý định chia rẽ Syria của Mỹ đã quá rõ ràng.
Ông Omar Nashabe cho rằng, có nhiều lý do khiến Mỹ thực hiện điều này. Trước hết, việc thành lập BSF sẽ ngăn chặn chính phủ Syria thiết lập sự kiểm soát tất cả các phần lãnh thổ của nước này.
Quan trọng hơn là các đồng minh chính của Mỹ ở Trung Đông, trong đó có Israel không muốn nhìn thấy kịch bản mà theo đó, chính phủ Syria cùng đồng minh Iran, phong trào Hezbollah giành thắng lợi hoàn toàn tại Syria. Việc tạo ra một nhà nước nhỏ bên trong Syria sẽ phục vụ cho lợi ích của Mỹ và đồng minh. Những yếu tố này đều có thể đã được Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng.
Kế hoạch của Mỹ và liên quân thành lập lực lượng an ninh biên giới phía bắc Syria đã gây ra phản ứng giận dữ từ phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria, có nguy cơ đổ thêm dầu vào chảo lửa xung đột tại Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ điều động binh sỹ và khí tài quân sự áp sát biên giới Syria
Trong động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố BSF là mối nguy cho an ninh quốc gia và đe dọa sẽ thực thi biện pháp đáp trả cứng rắn. Ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động binh sỹ và khí tài quân sự ồ ạt tới khu vực dọc biên giới với Syria. Hãng thông tấn Anadolu trích dẫn các nguồn tin quân sự ngày 15/1 cho biết, hàng chục xe thiết giáp đã tới huyện Reyhanli, thuộc tỉnh Hatay, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, một đoàn xe gồm 20 chiếc xe chở quân đội và vũ khí đã đến huyện Viransehir, tỉnh Sanliurfa, đông nam nước này.
Các lực lượng trên có nhiệm vụ hỗ trợ những đơn vị quân đội đóng ở vùng biên giới với Syria bình ổn an ninh. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ sớm tiến hành hoạt động quân sự nhằm vào thành phố Afrin – nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), miền bắc Syria để “dẹp tan khủng bố” tại biên giới.
Một tay súng của Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd. Ảnh: RT. |
Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc YPG đã cố gắng tạo ra một "hành lang khủng bố" trên biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, kết nối Afrin với các khu vực do người Kurd kiểm soát về phía đông.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay luôn trong tình trạng căng thẳng liên quan đến vấn đề người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem lực lượng YPG (chủ yếu gồm các tay súng người Kurd ở Syria và là thành phần chủ chốt trong Lực lượng Dân chủ Syria - SDF) là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức mà nước này, Mỹ và EU đều coi là khủng bố. Trong khi Mỹ lâu nay ủng hộ SDF, coi đây là lực lượng chính trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.
Nga và chính phủ Syria cảnh báo đáp trả mạnh tay
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Moscow ngày 15/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, hành động đơn phương của Mỹ thành lập lực lượng quân đội tại Syria có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nó không có lợi cho tiến trình hòa bình tại Syria, mặt khác sẽ khiến xung đột leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd. Nga hy vọng Mỹ sẽ lên tiếng giải thích về động thái này.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng thuộc Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga ông Vladimir Shamanov cho biết, Nga cùng các đồng minh sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả cần thiết. Khi được hỏi liệu việc thành lập lực lượng BSF của liên minh do Mỹ dẫn đầu có chống lại các lợi ích của Nga tại Syria hay không, ông Shamanov khẳng định, hành vi như vậy của liên quân do Mỹ dẫn đầu là sự đối đầu trực tiếp với các lợi ích của Nga, vì thế Nga và các đồng minh sẽ phối hợp bình ổn tình hình tại Syria.
Trong khi đó, hãng thông tấn SANA dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Syria cho biết, bước đi của Mỹ nằm trong khuôn khổ các chính sách phá vỡ sự ổn định, gây leo thang căng thẳng và xung đột tại Trung Đông, cản trở các giải pháp tìm kiếm hòa bình cho Syria”. Bộ này hối thúc cộng đồng quốc tế “vạch trần âm mưu của Mỹ” và thực thi hành động nhằm chấm dứt những chính sách mang tâm lý “thống trị và bành trướng” của Mỹ.
Tuyên bố cũng cảnh báo những hậu quả tiêu cực đối với hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, bất cứ công dân Syria nào tham gia vào lực lượng BSF của liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ bị khép vào tội phản quốc. Tuyên bố cũng khẳng định quyết tâm của chính phủ Syria chống lại mọi âm mưu chia rẽ đất nước, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và lợi ích của người dân Syria./.