Vại cà tháng củ mật

Quốc Sơn 21/01/2018 09:06

(Baonghean) - Thuở cơ hàn, ở quê tôi nhà nào cũng có hai vại cà, nhút đặt ở góc sân. Các gia đình chốn điền dã có thể thiếu rất nhiều thứ nhưng không khi nào thiếu vại cà. Không biết “ông tổ” nào đã nghĩ ra món ăn rất đỗi bình dân ấy, nhưng hẳn đó là kinh nghiệm truyền đời của người dân trong việc dùng muối để cất giữ, tích trữ thức ăn.

Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet

Tháng Chạp - tháng củ mật cũng là thời điểm vại nhút đã cạn đến đáy, còn vại cà cũng chỉ lấp lửng 1/3 vại. Mùa giáp hạt, cái rét, cái đói xuyên qua lớp chăn mỏng khiến cho giấc ngủ trở nên chập chờn. Ngày ấy tôi chỉ ao ước được một lần được đánh một bữa đẫy bụng cơm với món cà muối xào của bà nội. Không hiểu sao món cà muối xào của nội ngon đến thế.

Này nhé, độ tháng Ba, tháng Tư, cũng như nhiều gia đình trong ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Cả, bà nội bắt đầu hái cà chuẩn bị muối. Nhà ông bà nội có một khoảnh vườn khai hoang độ 2 sào chuyên để trồng màu. Mảnh vườn ấy nằm trên khu đất mà người làng gọi là vệ hoang. Xung quanh vườn ken dày loài tre gai. Đến mùa, bà nội và bác dâu tôi thường trồng cà pháo, cà dừa trên mảnh đất ấy. Những quả cà pháo trắng tinh, còn cà dừa dễ to bằng cái bát ăn cơm lại có màu xanh như lá tre non.

Thường vào dịp thu hoạch cũng chỉ có bà nội hái cà, vì bà bảo, mọi người còn phải lo việc đồng áng nặng nhọc hơn, chỉ cần một mình bà “phụ trách” vườn cà là đủ. Nói vậy nhưng cũng đến mấy tạ cà chớ không phải chuyện chơi. Tuy nhiên, bà bảo cà không phải như ngô, lúa mà thu hái đồng loạt một lần. Mỗi ngày nó chín một ít, vài ngày hái một lần. Cà nhiều nên bà còn đưa ra chợ bán bớt. Rồi các o, các chú đều đến “xin” cà của bà mang về ăn, muối.

Cà muối xào. Ảnh: Internet
Cà muối xào. Ảnh: Internet

Độ tháng Tư, khi nắng đã bắt đầu nồng hơn cũng là lúc bà nội hái cà từ vườn về và mang ra phơi ở khoảnh sân có bóng cây. Trước đó, nội cũng đã tỉ mẩn lột từng cây cuống. Đôi khi tôi và mấy đứa em cũng tham gia cùng nội và cố ý để sót lại những cuống cà đã tuốt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài. Bà nội thường hong phơi cà độ 2-3 ngày. Hôm nào trời nắng quá thì rải cà trên nong lớn và phơi ngay trên thềm nhà. Nội bảo, cà có phơi thì mới giữ được lâu khi muối và sẽ giòn hơn khi ăn.

Đến ngày muối cà, thể nào bà nội cũng gọi anh Đức hàng xóm sang khuân giúp chiếc vại lớn đã được làm sạch, hong khô trước đó đến góc sân. Những riềng, tỏi, thính ngô nếp… đều đã được bà chuẩn bị từ lúc nào. Một lớp muối, một lớp cà - cả một thúng muối trắng được nội cho vào vại. Chưa ăn nhưng đã biết nó mặn kinh khủng. Sau khi các nguyên liệu đã gọn trong vại theo đúng “ý đồ”, nội dùng một chiếc vỉ được đan bằng tre đặt lên, trên vỉ lại đặt một hòn đá cuội rất lớn để ép nó giữ chặt. Cuối cùng chiếc nắp tròn ghép bằng những tấm gỗ được đặt lên trên vại. Ngày nắng ráo thì không sao, nếu ngày mưa, nội dùng tấm ni lông phủ lên vại cà.

Vại cà của bà nội chỉ khoảng 1 tuần là đã có thể lấy ra ăn. Và trong suốt những ngày, tháng sau đó vại cà muối vẫn được bổ sung nếu có cà mới hái. Món cà muối theo cuộc sống dân quê gần như quanh năm, nhưng nó trở nên vô cùng quan trọng trong mùa đông, ngày giáp hạt. Lúc này những quả cà pháo đã bạc đi vì ngấm muối. Để tăng khẩu vị cho món ăn, bà nội tôi thi thoảng làm món cà muối xào. Bà tỉ mẩn cắt đôi từng quả rồi mang ra rửa sơ. Những miếng mỡ ướp muối được cho vào chảo để phi với tỏi tía, khi mùi thơm dậy lên là lúc đưa cà muối vào. Món cà xào của bà ngoài việc được nêm chút bột ngọt, một thìa đường, còn có ớt bột, tiêu và nhất là không bao giờ thiếu lá chanh thái chỉ. Ôi chao, lúc trời rét mướt, ngồi trong căn bếp với ánh lửa bập bùng, ăn bát cơm nóng hổi cùng món cà muối xào cứ ngỡ như đang được thưởng thức sơn hào, hải vị. Một món ăn vô cùng giản dị nhưng không hiểu sao thơm ngon, mặn mòi đến thế.

Cuộc sống thật lạ. Khi cái ăn cái mặc đã đủ đầy thì người ta thường hoài niệm, thèm thuồng cái cảm giác từ những ngày xa lắc. Tôi cũng vậy. Cứ độ tháng Chạp là lại nhớ đến vại cà của bà nội thuở xưa. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy dường như vị mặn hãy còn vương vất nơi đầu môi.


Quốc Sơn