Mỹ có “lựa chọn cứng” cho khả năng xấu nhất!

Thanh Sơn 21/01/2018 17:59

(Baonghean) - Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ được công bố hôm 19/1 đã tiếp tục làm rõ đường hướng an ninh, quốc phòng toàn cầu của nước Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Đó là một ‘lựa chọn cứng’ khi nước Mỹ sẵn sàng cho khả năng xấu nhất.

Đưa Nga - Trung vào ‘tầm ngắm’

Khả năng xấu nhất mà nước Mỹ hướng tới đó là một cuộc chiến tranh với những đối thủ chiến lược: Nga và Trung Quốc - hai quốc gia mà Mỹ coi là các ‘cường quốc xét lại’.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công bố chiến lược Quốc phòng 2018 (AP).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công bố chiến lược Quốc phòng 2018 Ảnh: AP

Đây là điều được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh khi công bố phát biểu về Chiến lược Quốc phòng 2018. Theo bộ trưởng Mattis, chiến lược này xác lập mục tiêu hướng tới thay đổi khẩn cấp ở quy mô lớn của quân đội Mỹ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ cần phải sử dụng các cách tiếp cận sáng tạo, đầu tư bền vững, tập trung vào thiết lập một Lực lượng chung phù hợp, có thể cạnh tranh, ngăn ngừa và giành thắng lợi trong môi trường an ninh ngày càng phức tạp.

Ảnh

Mỹ đặt mục tiêu củng cố đồng minh và thu hút các đối tác mới với chiến lược Quốc phòng mới. Ảnh: US Marine Corps

Tư tưởng chủ đạo của nước Mỹ sẽ là để ngăn ngừa chiến tranh thì cách tốt nhất là chuẩn bị để giành chiến thắng. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận ganh đua để phát triển sức mạnh và đầu tư lâu dài để khôi phục khả năng sẵn sàng ứng phó và chặn đứng thế lực nguy hiểm. Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh châu Âu thực hiện cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh của liên minh khi ứng phó với các mối quan ngại an ninh chung. Điều này, không gì khác ngoài việc duy trì sức mạnh vượt trội của Mỹ trên toàn cầu.

Làm rõ hơn những nội dung của bản chiến lược này, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách phát triển chiến lược và lực lượng Elbridge Colby nhận định trong những năm qua, Trung Quốc và Nga đã không ngừng nỗ lực phát triển năng lực quân sự của mình. Do đó, chiến lược của ông Mattis nhằm giải quyết tình trạng suy yếu về lợi thế quân sự của Mỹ hiện nay.

Như vậy, lần đầu tiên sau nhiều năm, Mỹ đã thay Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa thực sự với ‘sức mạnh Mỹ’ thay vì chủ nghĩa khủng bố. Đây có thể là bước đi đánh dấu bước chuyển quan trọng trong các ưu tiên về quốc phòng của Mỹ sau hơn một thập kỷ rưỡi tập trung vào cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Chiến lược quốc phòng 2018 đã kế thừa và làm rõ hơn những quan điểm được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia chỉ một tháng trước, trong đó xác định Nga và Trung Quốc "là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ". Theo Nhà Trắng, chiến lược an ninh quốc gia mới phản ánh những ưu tiên trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ.

Phản ứng trước bản chiến lược này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích văn kia của Mỹ, mô tả định hướng trong văn bản này này là "mang tính đối đầu". Ông Lavrov phản bác những luận điểm của Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga đang phá hỏng những nỗ lực của quốc tế nhằm củng cố an ninh toàn cầu. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, thay vì sử dụng cơ sở của luật pháp quốc tế, Washington trên thực tế lại tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình thông qua những chiến lược và khái niệm đối đầu như vậy.

Còn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã chỉ trích chiến lược mới mà Lầu Năm Góc đưa ra, nói Trung Quốc tìm kiếm "quan hệ đối tác toàn cầu, không phải sự thống trị toàn cầu". "Nếu một số người nhìn thế giới bằng tư duy Chiến tranh Lạnh và trò chơi 'kẻ thắng người thua', họ rốt cuộc sẽ chỉ nhìn thấy xung đột và đối đầu", Tân Hoa xã dẫn lời một đại diện của sứ quán Trung Quốc nói. "Với một tư duy như vậy, hòa bình và phát triển toàn cầu là những lý tưởng không thể với tới".

Những bất định của cuộc chơi

Như vậy, một lần nữa Học thuyết ‘Nước Mỹ trên hết’ được nhắc tới trong các định hướng tương lai. Chính quyền Donald Trump từng nhấn mạnh yếu tố bảo đảm an ninh nội địa, an ninh biên giới ở mức độ ưu tiên, chi tiết, tập trung hơn trước đây.

Và để tạo ra tiềm lực cho sức mạnh cứng đó, Mỹ đặt kinh tế là trụ cột trong chiến lược an ninh quốc gia, coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Kinh tế mạnh là cơ sở để mở rộng và khẳng định quyền lực Mỹ, tạo nguồn lực để Mỹ duy trì vị thế siêu cường quân sự, bảo đảm an ninh nội địa. Còn việc nước Mỹ coi Nga và Trung Quốc là hai đối thủ hàng đầu hiện nay cho thấy những mâu thuẫn rất lớn cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng giữa các trục quan hệ này.

Ảnh
Việc cải cách Lầu Năm Góc theo hướng đơn giản nhưng hoạt động hiệu quả và thích nghi cao hơn cũng được nhắc tới. Ảnh: Reuters

Cụ thể, nước Mỹ dưới thời ông Trump xác định Trung Quốc là "đối thủ”, thay vì “là đối tác và là đối thủ” hoặc “đối tác hợp tác, đối thủ cạnh tranh” như các chính quyền tiền nhiệm. Điều đó cho thấy nước Mỹ tái định nghĩa mối quan hệ này dưới góc nhìn cứng rắn hơn, ít thỏa hiệp hơn.

Điều này cũng phù hợp với âm hưởng trực diện, thực tế hơn, ít lý tưởng hay hào nhoáng so với các chiến lược dưới thời tổng thống George.W. Bush hay Barack Obama. Qua hai bản chiến lược vừa được công bố, Mỹ đã đặc biệt chú trọng yếu tố cạnh tranh, xem quan hệ quốc tế dưới hình thái cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia - nhà nước và Mỹ cần phải chấp nhận thực tế này, cạnh tranh để vượt và thắng.

Tuy nhiên, về lâu dài, định hướng cứng rắn sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, một ‘tác dụng phụ’ rất khó lường với tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực. Chuyên gia Sow Keat Tok tại Đại học Melbourne, Australia, nói: "Bằng việc xác định Trung Quốc là đối thủ, Mỹ đang ép nhiều nước châu Á lựa chọn giữa hai cường quốc". Đó là nguy cơ khiến các đối tác của Mỹ dè chừng hơn trước các quyết định của mình./.

Thanh Sơn