Quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nên biết

PV 22/01/2018 08:46

Thời gian qua, nhiều người lao động sau khi bị mất việc hoặc xin thôi việc nhưng không biết quyền lợi của mình như thế nào.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, lợi dụng sự kém hiểu biết của người lao động đã chiếm đoạt khoản tiền này bằng cách “nợ” hoặc chậm chi trả cho người lao động, thậm chí là chiếm dụng.

Từ 1/1/2018, Bộ Luật hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực. Một trong các nội dung đáng chú ý là sẽ xử lý hình sự với hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế với mức xử phạt có thể lên tới 3 tỷ đồng hoặc 10 năm tù. Chính vì thế, người sử dụng lao động và người lao động cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình để tránh vi phạm pháp luật.

1. Đối tượng tham gia BHTN

Người lao động

a) Người lao động tham gia BHTN khi làm việc theo HĐLĐ hoặc HĐLV như sau:

+ Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc Hợp đồng làm việc HĐLV không xác định thời hạn;

+ HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn;

+ HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

b) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người giúp việc gia đình có giao kết HĐLĐ với đơn vị quy định tại Khoản a nêu trên không thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Đơn vị tham gia BHTN

Đơn vị tham gia BHTN là những đơn vị quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Quyết định số 595/QĐ. Theo đó, người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.

2. Mức đóng BHTN:

+ Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

+ Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN;

+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

3. Tiền lương tháng đóng BHTN

a). Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

b). Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương ghi trong HĐLĐ.

+ Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động.

+ Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng (thực hiện từ ngày 1/1/2015).

4. Cách thức đóng

- Đóng hằng tháng: Hàng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

- Đóng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần: Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hàng tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của kỳ đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

- Đóng theo địa bàn

+ Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của cơ quan BHXH tỉnh.

+ Chi nhánh của doanh nghiệp đóng BHXH tại địa bàn nơi cấp giấy phép kinh doanh cho chi nhánh.

5. Điều kiện hưởng BHTN:

Theo Điều 49 Luật Việc làm, Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên.

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Ngoài ra, theo Luật Việc làm, người lao động còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí;

+ Được hỗ trợ chi phí học nghề.

Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp./.


PV