Bỏ cộng điểm thi nghề để phân luồng thực chất

Mỹ Hà 23/01/2018 06:09

(Baonghean) - Những ngày qua, phụ huynh có con cuối cấp THCS đang lo lắng về chủ trương “bỏ cộng điểm thi nghề” vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra.

Giờ học của học sinh Trường THCS Quang Trung, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường THCS Quang Trung, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mỹ Hà

Học nghề còn mang tính hình thức

Trên thực tế, dù không có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động bỏ dạy nghề ở bậc THCS. Tại huyện Hưng Nguyên, năm học này, thay vì toàn bộ học sinh lớp 9 sẽ học 70 tiết học nghề như những năm trước thì nay các em được miễn học nghề.

Nói về vấn đề này, cô giáo Trần Thị Bích Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tôi cho rằng việc bỏ học nghề ở bậc THCS mà huyện đưa ra là đúng. Bởi lẽ, lâu nay chúng tôi dạy nghề cho học sinh nhưng chủ yếu các em chỉ học môn Tin học tại nhà trường, do giáo viên của trường trực tiếp giảng dạy nên định hướng nghề nghiệp chưa rõ. Trong khi đó, nếu muốn học các nghề nghiệp khác thì trường phải thuê trung tâm dạy nghề của huyện và học sinh phải nộp thêm học phí, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh”.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, do tất cả các trường cùng đồng loạt không tổ chức dạy nghề cho học sinh lớp 9 nên học sinh cuối cấp không quá lo lắng về việc có hay không được cộng điểm nghề vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nếu các em cùng đăng ký vào các trường THPT trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, với những em có nhu cầu đăng ký vào các trường THPT ở thành phố thì khá băn khoăn bởi hiện tại chủ trương bỏ điểm nghề chưa được thống nhất.

Em Phạm Thảo Nguyên - Học sinh lớp 9A, Trường THCS Quang Trung (Hưng Nguyên) nói thêm: Do địa bàn của trường em nằm ở khu vực thị trấn, gần với thành phố Vinh nên sẽ có một số bạn muốn đăng ký vào các trường THPT ở thành phố. Vì vậy, chúng em mong muốn, nếu đã bỏ nghề thì cần bỏ đồng loạt để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh khi thi tuyển đầu vào.

Tại thị xã Hoàng Mai, ông Nguyễn Viết Lộc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoàng Mai cũng cho biết: Những năm trước, phòng vẫn khuyến khích các trường học nghề nhưng qua khảo sát, số lượng học sinh tự nguyện đăng ký học nghề không cao. Vì vậy, năm học này, tất cả các trường trên địa bàn đều không tổ chức dạy nghề cho bậc THCS...

Thực tế cũng cho thấy, trước đây dù có học nghề nhưng mục đích học nghề của học sinh chủ yếu là để lấy điểm cộng vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, học sinh chủ yếu học để đối phó. Trong khi đó, vì năng lực và điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên các trường đa phần chỉ dạy môn tin học. Điều này, là không hiệu quả vì trong thời khóa biểu chính khóa, mỗi tuần các em đã được học 2 tiết tin học theo khung chương trình quy định.

Dạy nghề tin học cho học sinh phổ thông ở Trung tâm KT Dạy nghề hướng nghiệp tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà
Dạy nghề tin học cho học sinh phổ thông ở Trung tâm KT Dạy nghề hướng nghiệp tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Không xáo trộn kết quả đầu vào

Theo dự thảo về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra, dự kiến sẽ bỏ quy định cộng thêm điểm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích. Việc thay đổi quy định cộng điểm trong tuyển sinh THPT sẽ là một trong những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương “tinh giảm” các cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhìn lại các kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 ở tỉnh ta trong thời gian qua cho thấy, vì có khá nhiều điểm cộng đầu vào nên số thí sinh được khuyến khích điểm khá cao, gây nên sự thiếu công bằng cho học sinh. Đơn cử như tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, trong kỳ tuyển sinh đầu vào năm học 2017 - 2018, thí sinh thủ khoa vào lớp 10 không phải là thí sinh có tổng điểm ba môn Văn - Toán - Ngoại ngữ cao nhất mà là thí sinh có điểm cộng cao nhất (5 điểm).

Trước thực tế này, khi dự thảo về thay đổi quy định cộng điểm khuyến khích được đưa ra, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường khá đồng tình, bởi lẽ: “Nếu có nhiều chính sách khuyến khích điểm cộng thì không tránh được tình trạng phụ huynh, học sinh chạy theo các kỳ thi. Trong đó, có nhiều cuộc thi mà chỉ một số đối tượng thí sinh mới tham gia được như các cuộc thi IOE trên mạng”.


“Chúng ta không nên hiểu, học nghề ở bậc phổ thông là nhằm mục đích chính để cộng điểm mà đây là cơ hội để học sinh được trải nghiệm nghề nghiệp tương lai, để các em định hướng thiên hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, bỏ điểm nghề không có nghĩa là xóa bỏ học nghề mà để việc học nghề đi vào thực chất, không chạy theo điểm số, không chạy theo số lượng... ”.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo


Trên quan điểm cá nhân của mình, thầy giáo Cao Thanh Bảo cũng nói thêm: Thực tế, chỉ cần 0,5 - 1 điểm đã làm xáo trộn kết quả thi tuyển vào lớp 10 và ảnh hưởng đến cơ hội của thí sinh. Vì thế, nếu có điểm khuyến khích chỉ ưu tiên cho một số trường hợp nhất định như thí sinh đậu học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, con em gia đình chính sách. Riêng việc bỏ điểm cộng nghề là cần thiết và không tác động nhiều vào kết quả đầu vào bởi cơ hội của các em là ngang nhau vì đa phần đều cùng được cộng 1,5 điểm.

Băn khoăn hiện nay đó là việc bỏ điểm nghề có “triệt tiêu” việc học nghề ở bậc phổ thông và bỏ vào thời điểm nào là hợp lý. Đến thời điểm này, việc học nghề của học sinh lớp 9 đã hoàn thành và dự kiến sang tháng Tư các em đã bắt đầu thi. Cho rằng nếu bỏ điểm cộng nghề trong thời điểm này là sự “lãng phí”, ông Phạm Đức Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề tỉnh cho biết: “Năm nay, chúng tôi đã tổ chức dạy nghề cho gần 1700 học sinh lớp 9 của 14 trường THCS trên địa bàn thành phố và mong mỏi của các em là được cộng thêm điểm đầu vào trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong thời điểm này, đây là nguyện vọng chính đáng”.

Thực tế cũng cho thấy, khi chủ trương bỏ cộng điểm nghề được thực hiện thì ngành giáo dục cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả của việc học nghề ở bậc phổ thông hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần có những hình thức khuyến khích hướng nghiệp thay thế, nhằm mục đích thực hiện tốt kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp mà tỉnh ta đang thực hiện hiện nay.

Mỹ Hà