Đem quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt NATO vào thế khó

Lan Hạ 23/01/2018 11:41

(Baonghean.vn) - Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ, tại khu vực Afrin, miền Bắc Syria đang đặt Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thế khó. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các đồng minh NATO, thì giới phân tích băn khoăn liệu chiến dịch của Ankara sẽ đi tới đâu.

Phó Tổng thư ký NATO, bà Rose Gottemoeller đã tới thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 22/1, bắt đầu chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước, và không liên quan tới chiến dịch quân sự hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin.

Tuy nhiên chuyến đi này đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ, do hai đội quân lớn nhất của NATO đứng ở hai bờ đối địch nhau trong chiến dịch này.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Alfrin (Syria). Ảnh: Getty
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Alfrin (Syria). Ảnh: Getty

Ankara mong muốn quét sạch các tay súng người Kurd thuộc Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) khỏi biên giới với Syria, trong khi lực lượng này lại nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn lời bà Gottemoeller trấn an rằng chiến dịch tại Afrin sẽ “diễn ra nhanh chóng”.

Trong khi đó, các quan chức NATO tại Brussels nhấn mạnh Phó Tổng thư ký NATO không có mặt ở Ankara do căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, và bà sẽ không đóng vai trò hòa giải trong bất đồng này.

Soufan Group, một công ty chiến lược tình báo an ninh có tầm ảnh hưởng đặt trụ sở tại Mỹ, nhận xét hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin là ví dụ cho thấy liên minh mới được thiết lập giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran “đang đoàn kết nhằm mục tiêu cản trở lợi ích của Mỹ tại Syria”.

Theo Soufan Group, Mỹ buộc phải rút lui hoặc thúc đẩy xung đột với Ankara, đồng minh NATO của mình.

Phó Tổng thư ký NATO, bà Rose Gottemoeller. Ảnh: AP
Phó Tổng thư ký NATO, bà Rose Gottemoeller. Ảnh: AP

Chuyên gia Marc Pierini thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại châu Âu Carnegie là người hiểu rất rõ về Thổ Nhĩ Kỳ, đã từng đảm nhiệm chức vụ đại sứ của EU tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2006 đến năm 2011.

Theo ông, Tổng thống Erdogan dường như hy sinh chút thiện chí còn lại ở châu Âu để phục vụ mục đích chính trị của mình.

Chuyên gia này nêu rõ: “Về cơ bản điều này đang đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế xung đột với NATO. Đó là tác động chính, tuy nhiên tôi cho rằng Ankara hiểu rõ rủi ro xuất phát từ hành động này, và đó là cái giá phải trả để kiểm soát tình hình chính trị".

Chuyên gia Pierini giải thích việc phô trương sức mạnh trong chiến dịch truy quét các tay súng người Kurd ở Syria có khả năng sẽ được người dân Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh.

Ông Pierini nhận xét, Tổng thống Erdogan đã tạo ra “một chiến dịch lớn để tiêu diệt cái được cho là mối đe dọa nhỏ”, vốn có thể được giải quyết bằng phương thức ngoại giao.

Chuyên gia này cảnh báo “không ai rõ vấn đề này sẽ kết thúc ở đâu và khi nào”./.

Lan Hạ