Có nên mua hoa đỗ quyên 'ngủ đông' để chưng Tết?

Hiếu Công 24/01/2018 09:32

Giống như bó củi khô nhưng chỉ cần cắm vào nước, hoa sẽ nở và có thể để được một tháng, loại hoa đỗ quyên ngủ đông - hàng Tết mới năm nay - đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Gần Tết, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mới được nhiều người chú ý có tên gọi là hoa đỗ quyên ngủ đông. Chỉ với khoảng 100.000 - 200.000 đồng/bó tùy loại, người mua được quảng cáo sẽ có được một lọ hoa đẹp, tươi lâu đến cả tháng để chơi Tết.

Đỗ quyên ngủ đông là loại hoa gì?

Chị Huyền, bán hoa tại đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), cho biết chị mới nhập khoảng 30 bó hoa đỗ quyên ngủ đông về bán thử nghiệm do thấy hàng bán trên mạng được nhiều người mua.

Theo quảng cáo, hoa đỗ quyên ngủ đông được nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Trung Quốc có trang trại lớn trồng loại hoa này. Hoa sẽ được thu hoạch, làm khô để “ngủ đông”. Hoa được làm khô theo công nghệ gì thì nhiều người bán hàng, trong đó có chị Huyền, cũng không biết.

Sau khi nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch, hoa ở trạng thái khô hoàn toàn và được chia thành từng bó 40-50 cành/bó. Người bán thường quảng cáo về quá trình “hồi sinh” sau ngủ đông của loại hoa này như sau: Chỉ cần cắm vào nước, những cành hoa khô sẽ hút nước, bung ra sau một đêm và nở những ngày sau đó. Một tuần sau, hoa sẽ nở nhiều và đẹp nhất. Ban đầu, hoa có màu tím nhạt, càng về sau, càng đậm và có thể chưng trong một tháng.

Hoa đỗ quyên ngủ đông được bày bán ở Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công.

Về giá bán, mỗi bó được bán với giá khoảng 100.000 - 200.000 đồng tùy loại. Anh Mạnh Cường (quận Cầu Giấy) tiết lộ giá nhập xỉ loại hoa này từ Trung Quốc về khoảng gần 60.000 đồng/bó (tính cả chi phí vận chuyển). Chủ hàng có thể bán buôn, bán lẻ với những mức giá khác nhau.

Về tình hình tiêu thụ, chị Huyền cho biết chị mới thử nhưng chỉ trong buổi sáng đầu tiên đã bán hết quá nửa trong số 30 bó. Khách hàng chủ yếu đã tìm hiểu trước nên biết rõ đặc điểm của loại hoa này. Còn anh Cường nói anh dự kiến nhập một đợt hàng khoảng 300 bó về Việt Nam nhưng đã có người đặt trước hết.

Cành đỗ quyên ngủ đông được cho là "hồi sinh" chỉ sau một ngày cắm vào bình nước. Ảnh: Hiếu Công.
Tẩm chất độc hay công nghệ mới?

Chị Nguyễn Bích (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chị đã mua hoa này và thấy hoa nở, không có mùi khó chịu. Theo chị, số tiền bỏ ra 100.000-200.000 đồng mà có một lọ hoa đẹp trong cả tháng là hợp lý. Còn chị Nguyễn Hồng (quận Cầu Giấy) lại mua hoa vì thấy đẹp. Chị mua 2 bó để ở phòng khách và trên bàn làm việc tại cơ quan.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết chính đặc tính tươi bền lâu, “ngủ đông” rồi “hồi sinh” khiến nhiều người lựa chọn hoa đỗ quyên.

Theo ông Thịnh, đỗ quyên là loài mà không phải vùng nào ở Trung Quốc cũng trồng được. Do đó, khi trồng được ở quy mô lớn, có thể doanh nghiệp đã chế biến sau thu hoạch, qua đó có thể dễ dàng vận chuyển và tiêu thụ đến nhiều vùng khác nhau.

Hình ảnh đỗ quyên ngủ đông bung nở được một trang bán hàng qua Facebook chia sẻ.
Hình ảnh đỗ quyên ngủ đông bung nở được một trang bán hàng qua Facebook chia sẻ.

Ông Thịnh nói đến công nghệ sấy lạnh đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước.

Khi đỗ quyên được sấy lạnh, tỷ lệ nước trong cây sẽ dần dần giảm xuống nhưng những đặc tính của tế bào vẫn giữ nguyên. Từ đó, cây sẽ từ từ “ngủ đông” và trông giống như những cây củi khô.

Để có thể bảo quản lâu dài, ông Thịnh cũng cho rằng nhà chế biến đã xông khí SO2 để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn độc hại có thể làm giảm chất lượng cành hoa. SO2 là khí độc nhưng chỉ được dùng như một loại hóa chất diệt khuẩn và nấm mốc.

“Cũng giống như nước rửa bát thì không thể uống được, có độc hại. Nhưng nó góp phần làm cho bát sạch hơn. Và cái bát sau khi rửa hoàn toàn không bị độc hại bởi nước rửa bát. Quá trình xông SO2 cho hoa cũng như vậy”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh khẳng định hoa chỉ là loại để chơi, ngắm nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ông cũng cho biết công nghệ bảo quản như trên là khá phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới.

Còn theo TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả, Bộ NN&PTNT, việc xông khi SO2 để khử khuẩn và nấm cần xem lại việc xông bao lâu và nồng độ là bao nhiêu thì mới có thể kết luận độc hại hay không. Ông cho rằng cần thận trọng trong đánh giá và cần xem xét cụ thể hơn về hoa đỗ quyên ngủ đông, loại hàng Tết mới năm nay.

Hiếu Công