U23 Việt Nam, SLNA và bóng đá trẻ
(Baonghean.vn) - Đúng như ông Park chia sẻ: “Tôi là người đã được thừa hưởng thành quả đào tạo bóng đá trẻ của các CLB và những người tiền nhiệm”. Nếu các cầu thủ trẻ U23 không được đào tạo căn bản và tung vào cọ xát thì chắc chắn không có được thành tích Á quân châu lục lần này.
Đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: Internet |
Không phải ngẫu nhiên mà đội đương kim vô địch châu Á U23 Uzbekistan và bóng đá trẻ Uzbekistan luôn gặt hái được những thành công tầm quốc tế. Nên nhớ năm 2011, U17 của Uzbekistan đã vào đến Tứ kết giải World Cup U17. Một năm sau, họ vô địch giải U16 châu Á. Năm 2013, Uzbekitan vào đến tứ kết U20 World Cup và vòng 1/8 U17 World Cup. Năm 2015, Uzbekistan một lần nữa vào tứ kết U20 World Cup. Lần này, tại Trung Quốc, họ hạ hầu hết các đội bóng mạnh và đương kim vô địch U23 Nhật Bản.
Đào tạo và cọ xát
Kỳ tích U23 Việt Nam vừa đạt được tại Thường Châu (Trung Quốc) được bắt nguồn từ những thành công của các tuyển trẻ Việt Nam trong mấy năm gần. Đó là tuyển U16 và U19 vào bán kết U16 Châu Á 2016 và tuyển U20 có mặt tại vòng chung kết U20 World Cup 2017.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nếu như Xuân Mạnh, Văn Thanh, Đình Trọng, Duy Mạnh và Tiến Dũng không có cơ hội đối đầu với các ngoại binh Merlo, Samson hay các tiền đạo ngoại khác thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu với tiền đạo Iraq, Qatar, Uzbekistan.
Có 4/5 hậu vệ U23 Việt Nam thường xuyên chinh chiến tại đấu trường V. League, người còn lại là trung vệ Tiến Dũng (Viettel) cũng là trụ cột của đội bóng tại Giải hạng Nhất. Xuân Mạnh, Văn Đức ngoài việc đã chinh chiến nhiều năm ở giải trẻ quốc gia cũng đã "thử lửa" tại V. League và Cúp Quốc gia trong màu áo SLNA.
Cầu thủ Phạm Xuân Mạnh (áo vàng). Ảnh: Internet |
Hơn 20 trận đấu trong vai hậu vệ phải, Xuân Mạnh đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm, còn Văn Đức đã bùng nổ cuối mùa giải và tỏa sáng tại Giải U21 Quốc gia. Chính vì thế, hàng hậu vệ U23 Việt Nam không còn bị ngợp trước các pha không chiến, đá 5 trận trước các đội mạnh nhưng chỉ để thủng lưới 9 bàn, được đánh giá là hàng thủ tốt của vòng chung kết lần này.
Bầu Đức đã có một quyết định được coi là có tầm chiến lược, khi “chấp Tây” ở V. League, tạo cơ hội cho Công Phượng, Hồng Duy, Văn Toàn được thử sức. “Những đứa con nhà bầu Đức” đã bị đàn anh và các ngoại binh đá cho tơi tả, bầm dập suốt cả mùa bóng để đổi lại 2 chữ kinh nghiệm. Các cầu thủ trẻ HAGL, Hà Nội, SLNA… đến Giang Tô (Trung Quốc) khi đã dày dặn kinh nghiệm chinh chiến sân cỏ, đối đầu với các ngoại binh to cao nên không còn cảm giác tự ti.
Chế tài đi VFF!
Dù chủ động sử dụng cầu thủ trẻ do mình đào tạo như HAGL, Hà Nội hay bị động như SLNA đều đáng được ghi nhận. Bên cạnh đó, B.Bình Dương hay CLB TP. Hồ Chí Minh, FLC Thanh Hóa, hiện nay đang có xu hướng “ăn xổi”, tung cả đống tiền ra mua HLV, cầu thủ để có thành tích ngay. Đây là xu hướng đi ngược lại bóng đá chuyên nghiệp, ngay cả các đội bóng giàu tiền bạc như Real, Barca hay MU cũng không đi theo hướng này. Bóng đá cần màu cờ sắc áo, niềm tự hào của địa phương vùng miền chứ không đơn thuần chỉ là huy chương và cúp.
Chúng ta cần nghiên cứu học tập chế tài bắt buộc các đội dự V-League phải có ít nhất 2 cầu thủ dưới 23 tuổi thi đấu trên sân. Theo tôi, việc quy định mỗi đội bóng có 2 hay 3 ngoại binh không quan trọng bằng quy định này bởi nếu không để cầu thủ trẻ có cơ hội được vào sân thì khó lòng nâng cao chất lượng U23 và đội tuyển Olimpic quốc gia.
Bên cạnh đó, không chỉ phạt tiền các đội dự V. League mà không tham gia các giải trẻ quốc gia mà có thêm chế tài điểm số. Theo đó, nên quy định cứng nếu có đội dự giải từ U11 đến U21, mỗi giải được cộng 1 điểm vào điểm số V. League (tối đa 6 điểm). Điều này tính lâu dài sẽ có lợi cho cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia khi có nguồn cầu thủ chất lượng, được cọ xát nhiều và sớm./.