Hà Nội sẽ xóa sổ bếp than tổ ong vào năm 2020
Theo những con số mới được công bố, Hà Nội có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, một ngày tiêu thụ 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2.
Theo số liệu khảo sát Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) mới công bố, tổng số lượng bếp than trên địa bàn thành phố khoảng 55.000 bếp, trong đó, tỷ lệbếp than tổ ongtại các quận nội thành chiếm 63%, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè…, trong khi đó các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Đây là những con số đáng báo động, đe dọa sức khỏe người dân và môi trường cho khu vực nội đô.
Cũng theo báo cáo này, một ngày, trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, từ đó sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí thành phố. Điều đó đồng nghĩa, bầu không khí Thủ đô đang phải gánh chịu lượng khí có hại khổng lồ dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số được khảo sát 23/30 quận, huyện của Hà Nội.
Kết quả khảo sát đối với 600 hộ dân thuộc tại 3 quận, huyện (Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình) cho thấy: Cơ cấu sử dụng bếp than cho việc kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình là 73%, Sóc Sơn là 63%, Đống Đa là 56%.
Tiếp đến là dùng cho việc nấu ăn theo thứ tự là: 31%, 36%, 43%.
Số liệu khảo sát tại từng hộ gia đình, số lượng than được sử dụng trung bình hàng ngày cho việc kinh doanh cũng chiếm đa số, Đống Đa gần 8kg/ngày, Ba Đình là hơn 6kg/ngày, Sóc Sơn là trên 4kg/ngày… và thời gian sử dụng bếp than trong một ngày là từ 410-450 phút.
Căn cứ kết quả khảo sát, Sở TN&MT Hà Nội đã đưa lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ "xóa sổ" bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể: Năm 2018 sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong, năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong, năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100%.
Một số loại bếp cải tiến thân thiện môi trường.
Và để thực hiện điều này, Sở TN&MT Hà Nội đã lựa chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, thành phố sẽ có chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ bán than tổ ong theo lộ trình và xóa bỏ các cơ sở này.
Bên cạnh những việc làm trực tiếp, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã cam kết, thực hiện trồng 1 triệu cây xanh năm 2020. Bên cạnh đó là việc xây dựng các trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố nhằm đưa ra những đánh giá và cảnh báo một cách chính xác nhất tình trạng không khí.
Các nguồn chính gây ô nhiễm không khí:
- Nguồn thải điểm (xi măng, thép, nhiệt điện, hóa chất, mỏ khai thác khoáng sản…).
- Giao thông, nguồn thải ô tô xe máy.
- Hoạt động xây dựng.
- Đốt (ngoài trời, các lò đốt CTR, CTR y tế…).
- Các làng nghề.
- Xuyên quốc gia.