Người nghỉ hưu sẽ không phải mang sổ đi nhận lương
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, sau thời gian hơn nửa năm thí điểm.
Có thể nhận lương ở bất kể đâu
Từ tháng 5/2017, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt cho 16.022 người tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) và 3.705 người tại huyện Bình Giang (Hải Dương). Cụ thể, người hưởng sẽ không phải mang theo Phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh; mà sử dụng Thẻ lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (Thẻ chi trả).
Toàn bộ thông tin và hình ảnh người hưởng được lưu trữ trên Thẻ chi trả và quản lý trên hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu tập trung toàn quốc của ngành bưu điện. Cơ quan Bưu điện sẽ thực hiện chi trả tất cả các ngày trong tháng (trừ các ngày lễ, tết) ở bất kể điểm bưu điện nào.
Ảnh minh họa |
Trong vòng 10 ngày đầu của tháng, sẽ thực hiện chi trả cho người hưởng tại các điểm chi trả; sau đó tiếp tục chi trả tại các điểm giao dịch của Bưu điện đến ngày cuối cùng của tháng cho những người chưa hưởng. Cơ quan BHXH có thể quản lý, theo dõi và tra cứu thông tin người hưởng thông qua việc kết nối với hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện.
Trong khi, với cách chi trả hiện nay (qua phiếu lĩnh lương), người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chỉ có thể nhận tiền tại các điểm chi trả cố định đã đăng ký trước theo đúng thời gian quy định. Điều này khiến họ có thể phải chờ đợi và mất nhiều thời gian làm thủ tục. Mặt khác, thời gian giao dịch ngắn, số lượng chi trả nhiều gây áp lực không nhỏ cho nhân viên bưu điện.
Ông Trịnh Dũng Việt, một cán bộ hưu trí ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đánh giá, việc dùng thẻ khách hàng thay sổ lương hưu đã giúp những người nhận lương hưu tháng như ông rất nhiều tiện lợi. “Trước đây cứ tới ngày lĩnh lương là phải thu xếp công việc, thời gian để ra điểm phát lương xếp hàng đợi tới lượt, có khi hết cả 1 buổi. Nếu mình không tự đi được phải ủy nhiệm cho người khác lĩnh hộ. Còn giờ đi bất kể đâu cũng lấy được lương, miễn sao ở đó có bưu điện, rất tiện lợi”, ông Việt nói.
Tiếp tục mở rộng
Từ kết quả thí điểm, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện tiếp tục thống nhất mở rộng thí điểm trên toàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương trong quý I/2018. Theo kế hoạch, BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thí điểm, cập nhật dữ liệu người hưởng; kịp thời cung cấp cho Bưu điện để quản lý người hưởng và cấp Thẻ chi trả.
Còn phía Tổng Công ty Bưu điện chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực đảm bảo khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người hưởng về nguyện vọng nhận tiền qua các hình thức: Tài khoản cá nhân, tiền mặt, sử dụng Thẻ chi trả. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Bưu điện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các tỉnh đủ điều kiện triển khai để BHXH Việt Nam thống nhất lựa chọn địa bàn mở rộng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Bưu điện cho biết: Bưu điện Việt Nam sẽ quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt, nhằm đảm bảo tiền đến tay người hưởng được thuận lợi nhất. Đồng thời cũng đảm bảo tính bảo mật thông tin người hưởng và tạo thuận lợi trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Bưu điện Việt Nam và BHXH Việt Nam.
Theo ông Tuấn, việc thí điểm chi trả qua Thẻ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đã phát huy nhiều ưu điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng cũng như cho cơ quan Bưu điện và cơ quan BHXH trong việc quản lý thông tin người hưởng trên hệ thống công nghệ thông tin. Phía Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam để thực hiện tốt hơn nữa việc này.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh, việc mở rộng triển khai phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt cần thực hiện hoàn thiện các văn bản, thực hiện theo lộ trình, kế hoạch và phải đảm bảo thống nhất giữa hai bên.
Đặc biệt, cần chú trọng quan tâm bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý người hưởng được tốt; phát huy tối đa hiệu quả, bổ sung các tính năng, tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân trong thực tế; đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu chi trả, quản lý người hưởng của cơ quan Bưu điện với cơ sở dữ liệu ngành BHXH. “Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu, ủng hộ và cảm thấy hài lòng khi sử dụng dịch vụ”, ông Khương nhấn mạnh.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt là hướng đến người dân, coi sự hài lòng của người dân là thước đo để phấn đấu. “Tôi mong rằng, trong thời gian tới, BHXH và Bưu điện sẽ tiếp tục nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH một cách toàn diện, đồng thời đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin”, bà Minh nhấn mạnh.