“Đảng viên phải biết hy sinh chủ nghĩa cá nhân, lòng tham quyền lực“
"Làm người cộng sản, khi cần, cũng phải hy sinh. Hy sinh chủ nghĩa cá nhân. Hy sinh lòng tham quyền lực".
Nhà báo Đức Lượng- nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, năm nay đã bước qua tuổi 75. Mấy chục năm công tác, dù làm ở Nhà xuất bản Sự thật, Viện Mác- Lênin, báo Nhân dân hay Hội đồng lý luận Trung ương, ông đều gắn bó mật thiết với công tác xây dựng Đảng, đặc biệt tâm huyết với công phát triển Đảng.
Nhà báo Đức Lượng- nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân |
Nhìn về quá khứ với cuộc cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất”, nhà báo Đức Lượng trầm ngâm: “Khi đó, Đảng mới tròn 15 năm tuổi và chúng ta mới chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, tính cả số đảng viên vừa được giải phóng khỏi lao tù.
Phải nhìn sang các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Indonesia, họ có cả triệu đảng viên, cũng trong hoàn cảnh lịch sử là Liên Xô thắng phát xít Đức và phát xít Nhật đầu hàng, nhưng vì sao chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo khối đoàn kết toàn dân giành được chính quyền. Phải so sánh như vậy mới thấy được sức mạnh của dân tộc ta và Đảng ta. Trên dưới một lòng, toàn Đảng, toàn dân một ý chí”.
“Sau này, đất nước phải đối mặt với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp bội. Trong những lúc nguy nan, gian khổ, đảng viên luôn là người đi đầu, dám chấp nhận hy sinh, chấp nhận đầu rơi, máu chảy vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chẳng ai nghĩ cho cá nhân, cho gia đình, ngoài trách nhiệm đối với nhân dân.
Ngày nay, theo tôi, làm người cộng sản, khi cần, cũng phải hy sinh. Hy sinh chủ nghĩa cá nhân. Hy sinh lòng tham quyền lực. Hy sinh khát vọng làm giàu bất chính. Hy sinh những thủ đoạn tạo ra nhóm lợi ích, những toan tính “lót ổ, xây đường cho con cháu được hơn người”- Nhà báo Đức Lượng nói.
Kết nạp đảng viên mới, nhiều nơi chạy theo thành tích
Nhà báo Đức Lượng trăn trở về công tác phát triển đảng quá nhanh, quá nhiều mà chất lượng không được như mong muốn. Ông nói: “Có lẽ, nguồn gốc tham nhũng, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” và những “đề bạt, cất nhắc thần tốc”, “đưa con cháu tiếm quyền quá nhanh”, các mánh khóe chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy ra nước ngoài... có khi, lại bắt nguồn từ sự buông lỏng, chạy theo thành tích trong công tác phát triển Đảng.
Tuy trong Điều lệ ghi rất đầy đủ các tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình phát triển Đảng, nhưng không phải nơi nào cũng vận dụng nghiêm túc”.
Theo nhà báo Đức Lượng, việc kết nạp đảng viên mới ở nhiều nơi đang chạy theo thành tích, sợ bị phê bình kiểu như “nơi này sao không phát triển Đảng trong khi nơi khác họ làm rất mạnh”, sợ không được xếp loại tổ chức cơ sở đảng “trong sạch, vững mạnh” cuối năm.
Nhiều chi bộ coi tiêu chí phát triển đảng viên mới cao hơn cả nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Có chi bộ vừa hân hoan có đảng viên mới, đảng viên trẻ. Nhưng rồi, đảng viên mới ấy cũng không một lần tham gia sinh hoạt. Thậm chí, khi đưa ra khỏi Đảng, xóa tên trong danh sách đảng viên, họ cũng không phản ứng gì”.
Cần đánh giá toàn diện hơn công tác phát triển Đảng
Nhà báo Đức Lượng phân tích, thực trạng người vào Đảng hiện nay có ba xu hướng: Thứ nhất là, những người thật sự muốn đứng trong hàng ngũ của những người tiên tiến, được dân tín nhiệm, vinh danh, để có điều kiện hoàn thiện tư chất của mình.
Xu hướng thứ hai, những người muốn tìm chỗ đứng, tìm con đường để tiến thân.
Thứ ba là, những người “chín non”, bị “ép” vào Đảng mà các bậc đàn anh với những tính toán riêng, muốn có thêm thành viên trong lợi ích nhóm, thêm vây cánh, dễ bảo sai... Cũng đã có trường hợp sắp xếp ghế cho con cái, người thân trước khi hợp thức hóa “đã vào Đảng” với chiêu bài “trọng người tài ngoài Đảng”.
Theo nhà báo Đức Lượng, đã đến lúc, Trung ương cần nhìn lại, đánh giá toàn diện hơn công tác phát triển Đảng, cái được và chưa được, thiết chặt hơn kỷ cương công tác phát triển đảng viên mới.
Ai không thật sự thiết tha vào tổ chức chiến đấu cho dân, thì không vì thành tích mà phải chào mời, đón đưa họ tham gia vào đội ngũ. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không còn phẩm chất của người mang danh Đảng. Có cơ chế, chính sách và tôn vinh những người đã hoàn thành nhiệm vụ đảng viên...”
Nhìn nhận cách xử lý của Đảng và Nhà nước vừa qua đối với các cán bộ mắc sai phạm, suy thoái, biến chất, cả đương chức và nghỉ hưu, nhà báo Đức Lượng không giấu nổi xúc động. Ông chia sẻ: “Tôi đã gặp những người bạn, những người đảng viên ở khu phố, đã nghe tâm tư của bác đánh giày, anh xe ôm. Tất cả đều một lòng ủng hộ thái độ kiên quyết của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao họ ủng hộ?, vì họ tin là ông ấy sẽ làm được. Tổng Bí thư là một con người đức độ, liêm khiết, vững như bàn thạch. Ông ấy đã làm được những điều mà dân mong muốn. Nhìn lại lịch sử Đảng, chúng ta cũng chỉ xử lý đến cấp đại tá như ông Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp (xử tử hình về tội tham nhũng). Nay, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy cũng bị xem xét xử lý. Làm như vậy là rất đau nhưng lại giữ được thanh danh cho Đảng”./.