Từ vụ Bùi Tiến Dũng đến bản quyền hình ảnh của các ngôi sao thế giới

danviet.vn 02/02/2018 17:12

CLB Thanh Hóa nắm bản quyền hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng thông qua hợp đồng lao động. Tuy nhiên đó không phải là cách mà các CLB trên thế giới thường làm...

Trong hợp đồng lao động được ký kết giữa Bùi Tiến Dũng và FLC Thanh Hóa nêu rõ: “Cầu thủ không có quyền nhận bất kỳ hợp đồng cá nhân nào mà không có sự đồng ý bằng văn bản của CLB”, đồng thời cũng đề cập đến quy định chia lợi nhuận hình ảnh “tùy vào hợp đồng thương mại”.

Như vậy, không còn gì phải bàn cãi về việc ai mới có quyền khai thác hình ảnh của Bùi Tiến Dũng, và thủ môn này chịu sự ràng buộc với CLB Thanh Hóa về mặt hình ảnh và không được phép ký kết với bên thứ 3 cho đến năm 25 tuổi. Mặc dù vậy, thỏa thuận về bản quyền hình ảnh trên thế giới có hơi khác một chút.

Bùi Tiến Dũng đang vướng vào vụ lùm xùm về bản quyền hình ảnh.

Đầu tiên, thế nào là bản quyền hình ảnh? Khi bóng đá phát triển thành một nền công nghiệp, một cầu thủ (và cả HLV) không chỉ có giá trị trên sân cỏ mà còn có thể kiếm tiền dựa trên danh tiếng của mình.

Tuy nhiên, vì CLB chủ quản cũng nhìn thấy mối lợi này, từ đó sinh ra cái gọi là bản quyền hình ảnh - một giao dịch thương mại về những gì liên quan đến cầu thủ, từ tên, chữ ký, biệt danh, hình ảnh, phát ngôn và các nhận dạng cá nhân khác.

Câu hỏi đặt ra là, một cầu thủ có nhất quyết phải ký hợp đồng bản quyền hình ảnh với đội bóng chủ quản? Đáp án là không. Lưu ý rằng trong quy định chung về tuyển dụng cầu thủ (ví dụ ở Premier League), đã có sẵn một số điều khoản cho phép CLB sử dụng hình ảnh của cầu thủ cho mục đích quảng bá.

Mặc dù vậy, nó khá hạn chế, như việc “hình ảnh một cầu thủ không được quá mức trung bình của những người khác trong đội một”.

Vì vậy, nhất thiết phải sinh ra hợp đồng bản quyền hình ảnh, giúp CLB thuận lợi hơn cũng như tận dụng triệt để giá trị cầu thủ. Nhưng cần nhấn mạnh ở đây, bản quyền hình ảnh là một hợp-đồng-riêng-rẽ, không liên quan tới hợp đồng chính giữa cầu thủ và CLB.

David Beckham là biểu tượng thành công trong thương mại bóng đá.
David Beckham là biểu tượng thành công trong thương mại bóng đá.

Nó có nghĩa, khi một cầu thủ đến với CLB sẽ có 2 hợp đồng, một là hợp đồng lao động, bao gồm thời hạn, lương thưởng, tiền lót tay, phí cho người đại diện; và một thỏa thuận khác, về bản quyền hình ảnh có sự tham gia của bên thứ 3.

Tại sao lại như vậy? Theo Daniel Geey từ ĐH Manchester, nó liên quan đến thuế. Đặt trường hợp cầu thủ ở Premier League, họ sẽ phải trả 45% thuế thu nhập cùng với 2% cho Bảo hiểm Quốc gia. Chi phí này khá lớn nếu gộp chung cả thu nhập về bản quyền hình ảnh.

Việc ký hợp đồng riêng giúp giải quyết vấn đề này (nói cách khác là lách luật). CLB sẽ thông qua một công ty bên ngoài để khai thác hình ảnh và trả tiền cầu thủ, họ chỉ mất 20% thuế doanh nghiệp, đồng thời cũng không phải trích ra 2% cho bảo hiểm.

Lionel Messi chỉ trực tiếp ký vào hợp đồng bản quyền hình ảnh, còn hợp đồng lao động ủy thác cho ông bố Jorge Messi.
Lionel Messi chỉ trực tiếp ký vào hợp đồng bản quyền hình ảnh, còn hợp đồng lao động ủy thác cho ông bố Jorge Messi.

Đó là lý do mà chúng ta thấy, Lionel Messi khi gia hạn với Barca hồi tháng 11 năm ngoái có tới 2 hợp đồng (thật ra là 3 nếu kể cả hợp đồng với Quỹ Leo Messi), ngoài hợp đồng lao động do ông bố Jorge Messi đứng ra ký còn hợp đồng hình ảnh anh trực tiếp đứng tên.

Có một lưu ý với trường hợp của Messi. Tại Tây Ban Nha, cầu thủ có quyền tự do quyết định có ký hợp đồng bản quyền hình ảnh với CLB chủ quản hay không. Và ở đây, Barca đã rất thành công khi thuyết phục siêu sao người Argentina làm điều đó (bằng cách dụ dỗ sẽ trao cho anh mức lương 500.000 bảng/tuần, cao nhất thế giới).

Chúng ta đặt giả thiết có một đội bóng sẵn sàng chi tiền tấn cho Messi, nhưng vì bản quyền hình ảnh vẫn thuộc về Barca, họ sẽ không thể kiếm được các nguồn thu thương mại để thu hồi vốn. Vì vậy ý tưởng mua anh ta coi như bị dập tắt từ trứng nước.

Jose Mourinho trước khi ký hợp đồng với MU vẫn còn ràng buộc với Chelsea về hợp đồng bản quyền hình ảnh.
Jose Mourinho trước khi ký hợp đồng với MU vẫn còn ràng buộc với Chelsea về hợp đồng bản quyền hình ảnh.

Câu chuyện này cũng tương tự như MU với Jose Mourinho. Ông ta bị Chelsea sa thải vào tháng 12/2015, được hiểu là chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng vẫn còn hợp đồng hình ảnh, và The Blues được phép sử dụng tên của HLV người Bồ ở các sản phẩm của nhà tài trợ.

Ràng buộc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ hội buôn bán của MU khi bổ nhiệm Mourinho vào tháng 5/2016.

Họ sẽ không thể dùng hình ảnh của Người đặc biệt và tệ hơn, nhiều nhãn hàng mà ông ta đại diện (ở Chelsea) lại cạnh tranh trực tiếp với các đối tác của Quỷ đỏ. May mắn là Mourinho không phải Messi nên việc chi tiền mua lại hợp đồng hình ảnh cũng không quá chát.

Vậy cầu thủ kiếm được bao nhiêu từ hợp đồng bản quyền hình ảnh? Điều này phụ thuộc vào danh tiếng của anh ta và thỏa thuận với CLB.

Alexis Sanchez chẳng hạn. Tiết lộ từ Daily Mail cho biết, lương cứng của ngôi sao người Chile tại MU là 350.000 bảng/tuần (18,2 triệu bảng/năm), đồng thời có thêm 100.000 bảng/tuần (5,2 triệu/năm) bản quyền hình ảnh, tức 28,5% lương. Mức này tương đối cao so với mặt bằng chung, dẫn đến việc Sanchez quay lưng với Man City và chấp nhận khoác lên mình chiếc áo đỏ.

danviet.vn