Tinh giản lãnh đạo có khó không?
Yêu cầu công việc, đòi hỏi của thực tiễn đã bắt buộc nhiều tổ chức, đơn vị, nếu không thay đổi trong quản lý, điều hành thì sẽ tự giết mình.
Nghị quyết 18-NQ/TƯ về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ rõ hạn chế, điểm yếu lớn nhất của bộ máy hiện nay, đó là: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thực tế thời gian qua, công cuộc tinh giản biên chế của các bộ, ngành địa phương đã thất bại khi Bộ trưởng Nội vụ đã chính thức thừa nhận thực tế “càng giảm càng phình to”. Đề án vị trí việc làm của nhiều đơn vị còn “vẽ” được thêm rất nhiều biên chế, nếu được phê duyệt chắc chắn nhân lực hưởng lương từ ngân sách sẽ còn hùng hậu hơn.
Lãnh đạo yếu kém thì rất cần phải tinh giản. Ảnh VTV |
Đã có nhiều người đặt câu hỏi: tinh giản nhân viên, vậy lãnh đạo yếu kém có tinh giản được không? Thực tế, tinh giản một công chức, viên chức, lao động hợp đồng đã khó thì ai dám nghĩ đến việc tinh giản được cán bộ lãnh đạo, những người quản lý. Thế nhưng, yêu cầu công việc đã bắt buộc nhiều tổ chức, đơn vị, nếu không thay đổi trong quản lý, điều hành thì sẽ tự giết mình.
Một thời gian dài, nhiều cán bộ được bổ nhiệm theo kiểu thân hữu có, chạy chọt có. Thực tế này đã gây không ít bức xúc trong các cơ quan và xã hội. Bởi người năng lực kém lại lãnh đạo người có năng lực. Nhiều người có tài “bất đắc chí” đã rời bỏ cơ quan Nhà nước để ra ngoài làm cho các tổ chức, cơ quan nước ngoài hoặc tự làm riêng. Nhìn lại, trong cơ quan nhà nước còn sót lại nhiều kẻ bất tài, không có thực lực, nhưng lại cơ hội, lôi kéo bè cánh, gây mất uy tín của cơ quan Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và cả các đối tác quốc tế.
Dư luận đang quan tâm đến việc làm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương khi ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCS “Về quy định tạm thời số lượng lãnh đạo cấp Phòng thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ”. Theo đó, ngay trong quý I này, Bộ dự kiến sẽ cắt giảm 30% cán bộ cấp phòng.
Hạn chế cấp trung gian bao nhiêu thì thời gian hoàn thành công việc càng nhanh bấy nhiêu, đó là điều ai cũng hiểu. Thế nhưng, cắt giảm cấp trung gian không phải là một việc dễ thực thi khi mà các mối quan hệ thân hữu vẫn đan xen chi phối nhiều trong các cơ quan, đơn vị. Liệu việc cắt giảm này có phải là thực chất hay chỉ là sự xô dịch một cách cơ học, lại là dịp để một số người kiếm chác, lợi lộc… Dư luận đang theo dõi và mong chờ kết quả thực sự.
Lâu nay, chúng ta còn nói nhiều đến chuyện lương của cán bộ công chức, viên chức không đủ sống. Và họ coi đây là lý do để sách nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục. Nếu làm tốt việc tinh giản biên chế thì cách trả lương theo kiểu cào bằng hiện nay sẽ được xóa bỏ, khi ấy, những người có tài, có năng lực thực sự sẽ sống được bằng lương.
Khi tinh giản được biên chế, tinh giản được đầu mối thì “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Bớt đầu mối thì người dân, doanh nghiệp bớt khổ. Chỉ khi tinh giản biên chế hiệu quả, chọn lựa được những con người có năng lực, đạo đức, tác phong, kỷ luật tốt thì mới mong các mục tiêu, nhiệm vụ thành công./.