Nữ sinh Nghệ An giành Giải Nhất môn Ngữ văn quốc gia: “Sống tức là phải thay đổi“

Mỹ Hà 02/02/2018 20:02

(Baonghean.vn) - Mặc dù không phải là học sinh xuất sắc nhất nhưng Trần Thị Thanh Tú (lớp 12C1) lại là người đem về giải Nhất Quốc gia môn Ngữ văn cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đây cũng là giải thưởng mà nhà trường đã trông đợi nhiều năm nay.

“Nợ” môn Ngữ văn một lời hứa

Trần Thị Thanh Tú có niềm đam mê với văn chương từ những ngày đang học tiểu học ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập. Vậy nhưng, thành tích lớn nhất của Tú khi đó chỉ là giải thưởng dành cho học sinh viết chữ đẹp. Lên THCS, Ngữ văn vẫn là môn học em yêu thích và được các thầy giáo, cô giáo ở Trường THCS Hà Huy Tập đánh giá là có năng khiếu. Mặc dù thế, trong bốn năm cấp THCS, giải thưởng lớn nhất của Tú cũng chỉ là giải Khuyến khích tại cuộc thi học sinh giỏi văn thành phố.

Trần Thị Thanh Tú - giải nhất môn Ngữ văn quốc gia (giữa) cùng các bạn trong lễ khai giảng. Ảnh - NVCC
Trần Thị Thanh Tú (giữa) cùng các bạn trong lễ khai giảng năm học 2017 - 2018. Ảnh - NVCC

Niềm tin của Tú vào môn Ngữ văn chỉ trở lại với Tú khi em là một trong 5 học sinh có điểm đầu vào cao nhất lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Thế nhưng, một lần nữa chữ “duyên” của Tú với môn Văn cũng chỉ là giải Khuyến khích Kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh năm lớp 11.

Những giải thưởng bước đầu này cũng đặt Tú trước hai sự lựa chọn khó khăn, đó là tiếp tục theo đuổi môn Ngữ văn hay “buông xuôi” để tập trung cho Kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Và rồi, vì yêu Ngữ văn, Tú nhận ra mình đang “nợ” môn học này. Ít nhất là một giải thưởng có số, lớn hơn những giải thưởng trước mà em từng nhận được.

“Sống tức là phải thay đổi"

“Sống tức là phải thay đổi” cũng là một trong hai câu hỏi của đề thi Ngữ văn tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm nay. Bản thân Tú, ngay sau khi đọc đề này, em đã rất hào hứng bởi đây là một đề thi “mở” giúp Tú có khả năng thể hiện chính kiến của mình. Với đề thi này Tú được 17 điểm, gần đạt tuyệt đối và xuất sắc giành giải Nhất tại Kỳ thi năm nay.

Tú cũng chia sẻ: Khi nghe cô giáo báo tin em không tin vào tai mình, cứ nhờ cô xem đi xem lại nhiều lần. Em thực sự vui mừng bởi trong đội tuyển môn Ngữ văn của trường, em không phải là học sinh xuất sắc nhất.

Tú (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn học ở đội tuyển môn Ngữ văn. Năm 2018, cả 10 thành viên đội tuyển đều đạt giải. Ảnh - Mỹ Hà
Trần Thị Thanh Tú (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn học ở đội tuyển môn Ngữ văn. Năm 2018, cả 10 thành viên đội tuyển đều đạt giải. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế, đề thi của môn Ngữ văn cũng “gần” với chính con người Tú, đặc biệt là sau khi em quyết định chọn môn Ngữ văn để đặt mục tiêu phấn đấu của mình. Nhớ lại thời điểm đó, Tú kể: Khi liên tiếp gặp thất bại ở các cuộc thi, em bắt đầu nhìn lại chính mình, cố gắng tìm ra nguyên nhân để tìm lời giải đáp. Và Tú phát hiện ra rằng, hạn chế của mình không phải là kiến thức mà ở sự khuôn mẫu, đơn điệu và thiếu một cái “tôi” trong cách thể hiện.

Việc tìm ra được lý do cũng giúp Tú thay đổi rất nhiều trong cách học, cách cảm nhận và cách thể hiện bài viết. Bên cạnh đó, Tú rất chăm đọc sách, tìm kiếm và theo dõi các sự kiện gắn với đời sống hàng ngày để làm cho bài văn thêm sinh động.

Cô giáo Lê Lương Tâm - Giáo viên chủ nhiệm của Tú cho biết: “Sức bật” của Tú chỉ thể hiện rõ vào những tháng cuối của đợt bồi dưỡng tập trung đội tuyển. Tuy vậy, dù muộn nhưng Tú cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói “mọi thứ có thể làm được nếu được chăm chỉ” bởi em thực sự là một học trò nghiêm túc, cần mẫn.

Sự cầu thị, cố gắng cũng là lý do cô giáo chủ nhiệm và cô giáo bồi dưỡng Hoàng Thị Hiền Lương không đắn đo khi chọn Tú vào đội tuyển quốc gia, dù rằng trước đó, so với nhiều học sinh khác, Tú không nổi trội bằng. Ưu điểm lớn nhất của Tú là trong quá trình học, tất cả những điều giáo viên dạy, Tú đều lĩnh hội rất đầy đủ, làm đúng tinh thần và còn biết vun đắp.

Một giờ học của lớp 12 C1. Đây là lớp học đem đến "kỳ tích" của đội tuyển Ngữ văn trong năm 2018. Ảnh: Mỹ Hà

Cũng ít ai biết rằng, trước kỳ thi một tuần do mải học và lo lắng nên Tú bị ốm rất nặng, gương mặt bị phù lên do truyền dịch quá nhiều. Vậy nhưng, khi bước vào phòng thi, Tú đã tự tin và mạnh dạn thể hiện mình.

Tú cũng tâm sự: Khi đã quyết định thay đổi cách học, cách viết thì con người Tú cũng thay đổi theo. Dễ nhận thấy nhất là từ một học trò rụt rè, nhút nhát, Tú ngày càng tự tin và biết thể hiện chính kiến cá nhân của mình. Cô bé cũng hăng say công tác đoàn, tham gia các hoạt động thiện nguyện dạy chữ cho học trò ở Làng trẻ em SOS.

Việc Tú đạt giải Nhất môn Ngữ văn ở Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia cũng là một “đột phá” của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sau 6 năm chờ đợi. Đây cũng là học sinh thứ tư của trường vinh dự đạt được giải thưởng này. Riêng Tú, dù chiến thắng nhưng việc học vẫn chưa dừng lại ở đó khi mục tiêu của em vẫn là Kỳ thi đại học sắp tới.

Lựa chọn khối D và sẵn sàng từ bỏ việc được “tuyển thẳng” cũng là cách để Tú thay đổi và làm mới bản thân. Hơn thế, đó cũng là cách mà một người trẻ như Tú đang muốn được khẳng định chính mình.

Giải Nhất môn Ngữ văn toàn quốc. Ảnh: Mỹ Hà
Trần Thị Thanh Tú - Giải Nhất môn Ngữ văn toàn quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ quan niệm của mình về đề thi Học sinh giỏi Quốc gia, Tú tâm sự: Sống tức là thay đổi cũng là phương châm sống của thế hệ trẻ hiện nay và đúng với quy luật của cuộc sống. Tuy nhiên, muốn thay đổi tích cực phải học cách tư duy và phải không ngừng vươn rộng ra thế giới.

Cũng theo Tú: Đề thi hay vì có tính phản biện bởi dù thay đổi thì trong quá trình vận động phát triển thì vẫn phải lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền dân tộc và không được đánh mất bản thân mình...

Mỹ Hà