HLV V-League học gì ở ông Park?
(Baonghean) - Việc U23 VN trong thế “cửa dưới” thắng được các đội bóng Trung Á, Tây Á khiến cho nhiều HLV V-League quan tâm học hỏi. Nhất là các đội con nhà nghèo, không có ngoại binh mạnh.
Đấu pháp bóng đá có những nét tương đồng với binh pháp trong chiến tranh. Sinh thời, tướng Vương Thừa Vũ một nhà cầm quân tầm chiến lược sau khi nghiên cứu kỹ về tố chất người Việt và thể trạng các đối thủ đã tổng kết bằng một câu vè ngắn về lối đá cho BHL và các cầu thủ dễ nhớ: “Thấp (chuyền bóng sệt) – Nhanh – Ngắn (ban ngắn) - Mạnh (mạnh mẽ) – Luồn lách (lắt léo) – Thọc sâu”.
HLV Park Hang seo mạnh dạn thử nghiệm khá nhiều sơ đồ, cuối cùng chốt lại đội hình U23 VN cơ bản chơi 5-4-1. Ảnh: Internet |
Sau này Thể Công, đội bóng mặc áo lính xem đây là cẩm nang chiến thuật đặc biệt khi thi đấu với các đội bóng to cao Âu, Mỹ…và thực tế họ dành thắng nhiều hơn thua. Tướng Vương Thừa Vũ cũng yêu cầu các cầu thủ Thể Công tập luyện hệt như bộ đội đặc công để nâng cao thể lực và sức bền. Cầu thủ nào lơ đễnh là y như bị kỷ luật, đội bóng mặc áo lính luôn bị khép vào kỷ luật sắt của quân đội.
Cự ly, tốc độ
Khi sang Việt Nam, HLV Park Hang seo mạnh dạn thử nghiệm khá nhiều sơ đồ, từ 3-4-3 đến 5-2-3 và cuối cùng chốt lại đội hình U23 VN cơ bản chơi 5-4-1. Lối đá có 2 yêu cầu cơ bản, khi phòng thủ tập trung số đông nhưng phải chủ động bảo đảm cự ly đội hình, khi phản công phải tập trung theo nhóm, di chuyển tốc độ cao. HLV Park không áp đặt quá nhiều vào bóng ngắn, sệt miễn là các cầu thủ khống chế được thế trận. Khá nhiều trận, bóng được chuyền dài, bổng cho Đức Chinh để tận dụng chiều cao của cầu thủ này.
Đội tuyển U23 Việt Nam đã khiến các đội bóng tây Á phải kiêng nể. Ảnh: Internet |
Rõ ràng, nó không như lối đá phất bóng dài từ tuyến dưới lên trên giống thời ông Toshiya Miura. Không chỉ chú trọng cầm bóng để tổ chức lối chơi ngắn, thấp, nhỏ tốn khá nhiều sức, phụ thuộc nhiều “lá phổi” Tuấn Anh và Xuân Trường như thời HLV Hữu Thắng.
Đầu bếp “món Kim Chi” quán triệt phản công “theo team” chủ yếu từ biên trong đoạn ngắn, dựa trên kĩ thuật, tốc độ của hậu vệ, tiền vệ cánh. Tại VCK U23 châu Á sơ đồ và nhân sự có thể thay đổi nhưng lối đá này được áp dụng ngay từ trận ra quân gặp Hàn Quốc đến trận chung kết gặp Uzbekistan. Thực tế cho thấy đầy là một công thức đặc hiệu dành cho các trận đối đầu với đối thủ cửa trên, bất kể đối thủ là đội bóng Tây Á hay Trung Á.
Làm mới lối đá
Phần lớn các đội bóng dự V-League hiện nay, nhất là các đội không có tiềm lực kinh tế để mua ngoại binh vẫn thường xuyên đá phòng ngự, phản công. Hàng phòng ngự luôn có số đông cầu thủ nhưng chủ yếu đá co cụm, họ sợ các cầu thủ ngại ngoại binh to cao đá càn lướt. Phần lớn đội hình lùi sâu, cự ly gần nhau nên khi phản công, phần lớn đá vượt tuyến, phó mặc cho tiền đạo hoặc tiền vệ cánh xoay xở. Chính điều này khiến cho tỷ lệ chuyền bóng chính xác thấp, cơ hội phản công nguy hiểm ít. Cự ly đội hình và thể lực là mấu chốt mà các đội dự V-League cần phải giải quyết.
Mấy năm gần đây, S.Khánh Hòa không phải là đội bóng mạnh nhưng HLV Võ Đình Tân đã áp dụng lối đá tương đối giống U23 VN và đã thành công. Đội bóng còn lại chính là Quảng Ninh, khi 2 tiền vệ cánh Xuân Tú và Minh Tuấn là những cầu thủ có tốc độ và kỹ thuật. Quảng Nam cũng là đội bóng có lối đá gần giống U23 Việt Nam nhưng do quá phụ thuộc vào Đinh Thanh Trung nên dễ bị đối phương bắt bài.
Không phải tất cả những gì U23 VN thực hiện thành công thì CLB cũng có thể áp dụng, nó phụ thuộc nhiều vào trình độ cả thầy, trò nhưng lối đá của ông Park rất đáng được nghiên cứu.