Đường dây 'chạy' thương binh liên tỉnh: Cần nghiêm trị những kẻ lừa đảo, trục lợi

Đức Chuyên - Tiến Hùng 07/02/2018 08:06

(Baonghean) - Đường dây “chạy thương binh giả” đã khiến nhiều người lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”, làm ảnh hưởng uy tín của các cơ quan liên quan, gây bức xúc, dư luận xấu trong nhân dân.

“Cáo mượn oai hùm”

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng các “chân rết” và các đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo “chạy” chế độ chính sách đều không có nghề nghiệp ổn định, không có chức năng nhiệm vụ gì trong việc xét duyệt chế độ chính sách cho người khác nhưng vẫn đứng ra nhận “làm” chế độ thương binh, chất độc da cam cho các nạn nhân. Trong khi đó, việc tiếp nhận hồ sơ xét duyệt chế độ chính sách phải được các cơ quan chức năng tiếp nhận thẩm định xét duyệt, theo quy định từ Ban Chỉ huy quân sự xã lên Ban Chỉ huy quân sự huyện, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Chính trị Quân khu IV sau đó trình Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, xét duyệt theo quy định của Nhà nước.

Hồ sơ vụ án đã được cơ quan chức năng xác lập.
Hồ sơ vụ án đã được cơ quan chức năng xác lập.

Tuy nhiên, lợi dụng những khó khăn, bất cập trong quá trình làm hồ sơ thủ tục xét duyệt chế độ chính sách; sự kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và thậm chí là hám lợi của một số người, các đối tượng lừa đảo giới thiệu mình có mối quan hệ thân mật với những người có chức năng, thẩm quyền trong việc xét duyệt, thực hiện chế độ chính sách, “chỉ cần có giấy tờ chứng minh đã từng đi bộ đội là có thể làm được chế độ”, “tiền càng nhiều thì tỷ lệ thương tật càng cao” và “chắc chắn sẽ làm được vì đây là làm theo thủ tục tồn đọng”, thậm chí lấy bản thân mình ra làm dẫn chứng, để tạo niềm tin cho các nạn nhân, rồi nhận tiền, nhận hồ sơ của nhiều người.

Như đối tượng Tạ Thị Vân, giới thiệu có chồng là Thượng tá quân đội, công tác ở mảng chính sách (vợ chồng Vân đã bán nhà và ly hôn sau khi đường dây bị lộ, Vân sau đó cũng bỏ trốn), trong quá trình liên lạc với các “chân rết” đã tổ chức gặp gỡ, ăn uống, hứa hẹn với các đối tượng là mình quen người này, người nọ, cho số điện thoại liên lạc để làm tin. Đối tượng Hồ Thanh Tùng thì khoe với mọi người rằng mình được hưởng chế độ thương binh cũng là do đối tượng Tạ Thị Vân chạy giúp. Khi “cá đã cắn câu”, các đối tượng này tiếp tục hứa hẹn, tổ chức cho những người đã nạp tiền đi khám “thực thể” tại Bệnh viện Quân y 4, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An nhưng thực chất chỉ cho họ khám sức khỏe bình thường, sau đó hẹn họ yên tâm chờ từ 6 tháng đến 1 năm sẽ có quyết định hưởng chế độ.

Đường dây 'chạy' thương binh liên tỉnh: Trùm sò bỏ trốn, ‘chân rết’ bán nhà trả lại tiền

Đường dây 'chạy' thương binh liên tỉnh: Trùm sò bỏ trốn, ‘chân rết’ bán nhà trả lại tiền

(Baonghean) - Nhận hàng loạt hồ sơ với trung bình 30 - 35 triệu đồng mỗi người để làm chế độ thương binh, những tay môi giới tưởng chừng như sẽ được hưởng hàng trăm đến hàng tỷ đồng tiền chênh lệch. Tuy nhiên, vụ việc vỡ lở, những người này đành phải bán nhà để trả lại tiền trước sức ép từ người dân.

Đường dây 'chạy' thương binh liên tỉnh: Cả nghìn người sập bẫy

Đường dây 'chạy' thương binh liên tỉnh: Cả nghìn người sập bẫy

(Baonghean) - Lợi dụng nguyện vọng mong được hưởng chế độ của những người từng tham gia kháng chiến nhưng bị thất lạc giấy tờ, không đủ để làm thủ tục theo quy định, trong một thời gian dài, những đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo “chạy” thương binh và các “chân rết”đã nhận khoảng 1.200 hồ sơ kèm theo hàng chục tỷ đồng của các nạn nhân.


Một trong những loạt tin nhắn mà người nhà của Tạ Thị Vân gửi đến các 'chân rết' để làm tin-Ảnh: P.V


Theo cán bộ điều tra thụ lý vụ án này thì thực chất các đối tượng lừa đảo sau khi nhận tiền không thông qua ai để “chạy” cho người dân mà sử dụng tiền vào mục đích cá nhân, đánh lô đề. Do đó, một số người sau khi nạp hồ sơ và tiền, chờ đợi lâu không có kết quả đã đến đòi. Lúc này những kẻ lừa đảo tiếp tục hứa hẹn, những ai nhất quyết đòi trả thì cũng không được trả đủ. Và để có tiền trả cho những người bị lừa trước đây, các đối tượng này tiếp tục lừa đảo người khác, vì thế, số lượng nạn nhân bị lừa ngày càng tăng.
Cũng theo các điều tra viên, trong đường dây lừa đảo này, có những người có hiểu biết, họ từng làm công tác liên quan đến chế độ chính sách, biết rõ trước đây ở Nghệ An đã có những vụ án về hành vi làm giả giấy tờ, lừa đảo chạy thương binh giả đã bị đưa ra xét xử, những trường hợp “thương binh giả” nhưng “hưởng chế độ thật” đã bị thu hồi. Nhưng “lòng tham đã khiến họ mờ mắt” tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, giúp các đối tượng lừa đảo “có đất sống”.
Cần xử lý nghiêm
Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là sự đãi ngộ đặc biệt, là trách nhiệm, là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước, việc ưu đãi người có công thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội trong việc “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng. Để cụ thể hóa chính sách nói trên, từ trước đến nay, về mặt pháp luật đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo người có công, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và tạo điều kiện để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng, xã hội. Như ở Nghệ An hiện nay, hàng tháng tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp cho trên 75.000 đối tượng chính sách với kinh phí chi trả trên 100 tỷ đồng/tháng.

Vụ án lừa đảo phức tạp, nên các cơ quan chức năng phải tách thành nhiều bộ hồ sơ -Ảnh: P.V
Vụ án lừa đảo phức tạp, nên các cơ quan chức năng phải tách thành nhiều bộ hồ sơ -Ảnh: P.V

Mặc dù chính sách pháp luật cho đến nay cơ bản đáp ứng và tạo điều kiện để xác định, công nhận đúng đối tượng người có công, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, nảy sinh tiêu cực, dẫn đến tình trạng khai man để trục lợi chính sách, trong khi những người có công thực sự do không đủ giấy tờ chứng minh theo quy định nên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ.
Từ thực tế như vậy, một số người không đủ giấy tờ lưu giữ để chứng minh và được hưởng chế độ cũng như có người không thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi cũng muốn hưởng chính sách này, nảy sinh tâm lý “muốn được hưởng chế độ thì phải chạy”. Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng đã bằng thủ đoạn hứa hẹn có mối quen biết, có thể “chạy” được, từ đó nhận tiền, hồ sơ rồi chiếm đoạt.
Hành vi của các đối tượng lừa đảo này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan liên quan đến việc xét duyệt chế độ chính sách đối với người có công, gây bức xúc, dư luận xấu trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chế độ chính sách, đặc biệt là niềm tin của những người đã từng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, có cống hiến đối với đất nước. Bên cạnh đó còn gây thiệt hại cho người dân hàng tỷ đồng.
Hành vi của các đối tượng cầm đầu đường dây “chạy” thương binh liên tỉnh là nguy hiểm cho xã hội, đã phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự và cần được xử lý nghiêm trước pháp luật.
Hiện đối tượng cầm đầu Tạ Thị Vân sau khi bỏ trốn đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ, bị truy tố và sẽ đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đối tượng Hồ Thanh Tùng đang bỏ trốn, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã, quyết định tách vụ án, sau này bắt được sẽ xử lý sau.

Đơn tố cáo đường dây chạy thương binh giả gửi đến các cơ quan chức năng -Ảnh: P.V
Đơn tố cáo đường dây chạy thương binh giả gửi đến các cơ quan chức năng -Ảnh: P.V

Rồi đây, sẽ có những bản án thích đáng cho những kẻ lừa đảo, nhưng điều đáng buồn, như một số nạn nhân từng nói với chúng tôi rằng: “Sự việc kéo dài nhiều năm trời với hàng trăm, hàng nghìn người bị lừa, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng chục tỷ đồng như vậy chẳng lẽ các cơ quan liên quan không biết” và “nếu không được gặp, nhận được những tin nhắn, cuộc điện thoại từ người làm ở cơ quan liên quan đến việc xét duyệt chế độ thì họ cũng không dễ dàng đưa tiền cho các đối tượng lừa đảo như vậy”!?

Đức Chuyên - Tiến Hùng