Thèm vị Tết quê
(Baonghean) - Cả năm trời cuốn vào công việc, để rồi, khi những ngày Tết còn lại trống tênh với phố phường - bình thường cứ ngỡ nó là phố phường của mình, đến ngày Tết mới thấy nó xa lạ, không thuộc về mình – một kẻ tha hương, lại chợt thấy rưng rức nhớ Tết quê. Có bao người Nghệ xa quê, đã sống trong tâm trạng ấy.
Nhà thơ Vương Cường: “Tết ở quê là cái tết đẹp nhất trong tôi”
Trải qua bao cái Tết xa quê. Nhưng với tôi những cái Tết ở quê (làng Đông Bích, Trung Sơn, Đô Lương) vẫn là Tết háo hức và đẹp nhất.
Một trong những thú vui không thể thiếu của lũ con trai trong xóm là làm súng bắn diêm. Những chiếc súng được làm trước vài tháng trời, cất giấu và chờ đến Tết để bắn. Tôi cũng giống như bao đứa trẻ khác, có những khẩu súng bắn diêm của mình, giấu ở nơi bí mật như một thứ bảo bối. Nhưng ngày nào tôi cũng lén mở ra ngắm đi ngắm lại, thi thoảng thèm quá, lấy trộm diêm của mẹ mang ra ngoài bắn một phát. Tiếng nổ không to nhưng đủ để một đứa bé trai như tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng cho một cái Tết trọn vẹn, đủ đầy.
Chỉ đến ngày Tết, mẹ tôi mới cho vài que diêm để bắn súng. Nó cũng vui như niềm vui áo mới. Có năm trước Tết một tháng, mẹ dẫn tôi đi mua áo ở cửa hàng mậu dịch. Vừa khoác áo vào người, tôi sung sướng chạy ngay về nhà. Mẹ trả tiền rồi khi về đến nhà mới phát hiện ra chiếc áo quá ngắn và chật cứng. Thế mà cũng phải đợi 1 tháng sau, đúng vào ngày Tết, tôi mới được mặc chiếc áo cũn cỡn đó.
Sáng 29 và 30 Tết, tôi cùng mấy đứa bạn dậy sớm cưỡi trâu vào thả ở núi Quỳ. Xua trâu lên Động Bằng hay Đá Vụt, rồi sau đó về đi chơi. Trong làng đã nghe tiếng lợn kêu. Ở giếng Trường nhiều người đang rửa lá dong chuẩn bị đêm gói bánh. Đêm 29 gần như cả làng thức gói và nấu bánh chưng. Tôi gà gật cùng bà nội ngồi canh nồi bánh. Bà kể chuyện cổ tích. Giọng kể của bà, bên bếp lửa bập bùng của nồi bánh chưng thơm lừng ngày Tết, thật ấm áp. Và những chiếc bánh nhỏ mà bố tôi thường gói thêm cho mỗi đứa con một cái chính là niềm vui lớn nhất vào ngày cuối năm.
Nhà thơ Vương Cường |
Chiều 30, mẹ tôi dắt các con về quê ngoại. Mẹ mang gà, gạo nếp đi tết ông ngoại. Ông ngoại tôi là nhà nho nghèo có học vị to nhất vùng, được mọi người kính nể. Ông xoa đầu các cháu và cho mỗi đứa một cái kẹo lạc. Ngày mồng Một, vừa tang tảng sáng, tôi đã chạy ra đường. Mẹ dặn không được vào nhà ai. Tôi cùng bọn trẻ rủ nhau đánh đáo quanh gốc đa ở hội trường làng. Chiều mồng Một đã thấy người làng đến nhà nhau chúc Tết. Mồng Năm Tết làng mới thật là vui. Các thanh niên từng cặp một chơi đu, quần áo đủ màu sắc bay phấp phới. Đội cờ người đã ra sân. Cho đến giờ tôi vẫn thấy cờ người làng mình là đẹp nhất...
Quá nửa đời ăn Tết xa quê, có những cái Tết đáng nhớ khi còn trong quân ngũ, nhưng trong thẳm sâu lòng mình, Tết nào cũng là tết quê hương. Bởi ngay cả khi không được cùng lũ bạn chế tác những chiếc súng bắn diêm nữa, không được cưỡi trâu thả dưới chân rú Quỳ vào ngày cuối năm giáp Tết, không được nghe bà kể chuyện cổ tích trong một đêm thức đợi bánh chưng, không được mẹ dẫn đến cửa hàng mậu dịch mua manh áo mới, thì những ký ức ấy luôn đồng hiện trong tâm tưởng, như thể một lần nữa lại sống cùng tôi. Khi đã quá sâu nặng với điều gì, nghĩa là con người sẽ luôn có nó, sẽ không bao giờ mất nó. Với tôi, những ngày Tết xa xưa ở làng Đông Bích sẽ mãi song hành cùng tôi trong những cái Tết xa quê.
Nhà văn Võ Thu Hương: "Tự thương mình khi thèm Tết quê"
Tôi có gần 20 năm sống ở Vinh, hơn 15 năm ở TP. Hồ Chí Minh. Như một cái duyên, nhà tôi ở Vinh hay ở TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ cách chợ hoa Tết vài bước chân. Vừa sang tháng Chạp, hàng loạt hoa trái đua sắc rộn rịp chờ Tết. Không khí Tết ngập mỗi bước chân. Nhưng không hiểu sao, với tôi, Tết chỉ thật là Tết, khi được về quê.
Tết chỉ thật là Tết khi nhìn những cánh đào nở ngày một nhiều hơn, tươi sắc hơn trong ba ngày Tết, ngay giữa phòng khách quây quần. Chỉ thật sự là Tết khi ăn tấm bánh chưng dẻo rền mới ngày hôm trước chụm đầu bên mâm nếp cùng ông bà ngoại gói, trong cái rét ngọt. Chỉ thật sự là Tết khi chưng những đóa hoa mình chăm bẵm từ khi còn là cái củ, cái mầm. Chỉ thật sự là Tết khi từ nhà ra ngõ nghe giọng quê mình, nói giọng quê mình. Nửa đêm, đầu sáng mùng Hai, mùng Ba, nghe một tiếng rao bánh bao nóng, bánh mì giòn… giọng da diết quê mình mà thương những người không được đón cái Tết trọn vẹn…
Nhà văn Võ Thu Hương |
Tôi nhớ nhất những cái Tết còn mẹ ngày xưa. Tôi cùng mẹ soạn sửa đồ bánh kẹo, câu đối Tết ra bán ở ngã tư chợ Vinh, cùng mẹ đi mua những đóa hoa cuối chiều khi chợ hoa đã vãn (buổi ấy hoa mới rẻ gần như cho vì người ta bán tống bán tháo để kịp về đón giao thừa), khi về quê bỗng chạm vào mái tóc mẹ đã pha muối pha sương hoặc khi đun nồi nước thơm nấu từ lá sả, lá mùi già thơm lừng căn nhà để mọi người tắm gội cuối năm…
Cách nhà tôi ở hiện nay hơn 20 km là thị xã Dĩ An, Bình Dương. Những cái Tết không có điều kiện về quê tôi luôn dành hẳn 1, 2 ngày về đó. Ở đó có khá nhiều khu vực đi đâu cũng gặp người Nghệ. Về Dĩ An sẽ ăn cá nục kho mật mía xứ Nghệ mự nấu, đi ngang ngõ nghe bà hàng xóm giọng Đô Lương nặng nặng đầy ân tình gọi vào uống “nác” chè xanh, cho mấy đứa nhỏ chiếc bánh mật nấu đúng y như bánh mật ngày xưa tôi bé vẫn ngồi chống mắt cố thức đợi bà làm cúng giao thừa. Và chỉ cần có thế, mới thấy bớt cồn cào, thấy lòng mình dịu lại với những ngày Tết tha hương ở nơi nắng chang chang, cúc mai vàng rực rỡ.
Bạn tôi, chị Lê Chi, một biên tập viên ở TP. Hồ Chí Minh (trước là BTV Đài NTV) kể, hiếm khi chị ăn Tết xa quê. Có năm công việc sát tới 30 Tết nên không sẵn sàng để đặt vé máy bay trước được. Tới sát ngày về hai mẹ con mới ra tàu, mua ghế phụ, chịu trải chiếu nằm la liệt sàn tàu, nồng nặc mùi mồ hôi khách lạ. Bất chấp hết thảy vì chỉ cần Tết được về quê, thắp hương lên mộ chào cha, về sum vầy cùng mẹ. Có những việc tưởng như sự lặp lại hàng năm có thể khiến nhàm chán thì Tết không hề nằm trong sự lặp lại đó. Tết là quy luật, là vòng quay tuần hoàn được gắn kết bằng sự yêu thương.
“Ta là con gái nhà quê/ Bao năm dài ở phố” - là câu thơ của nhà thơ Giáng Vân, giản dị là vậy, như một lời tự bạch, tâm tình. Mà sao cứ Xuân về Tết đến, nhớ lại thấy lòng mình chùng lại, thương chính mình một kẻ luôn thèm vị Tết quê.