Sự kiện “nóng” của thế giới 24h qua
(Baonghean.vn) -Tình báo Mỹ tố Nga muốn can thiệp bầu cử giữa kỳ; Hàn Quốc chi 2,6 triệu USD cho dân Triều Tiên tham dự Olympic; Bất kể Tết, Trung Quốc vẫn tranh phần trên biển Philippines ;
1. Tình báo Mỹ tố Nga muốn can thiệp bầu cử giữa kỳ
Từ trái sang, giám đốc FBI Christopher Wray, giám đốc CIA Mike Pompeo và giám đốc NIS Dan Coats. Ảnh: Sky News. |
Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết có dấu hiệu cho thấy Nga đang tiến hành chiến tranh thông tin nhằm gây ảnh hưởng tới bầu cử giữa kỳ của nước này.
"Chúng tôi phát hiện hoạt động cho thấy Nga muốn tác động tới cuộc bầu cử tiếp theo", AP dẫn lời giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 13/2.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NIS) Dan Coats và giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Mike Rogers cũng có chung nhận định. Họ không mô tả chi tiết hoạt động trên nhưng cho biết chúng có liên quan tới chiến tranh thông tin.
2. Bất kể Tết, Trung Quốc vẫn tranh phần trên biển Philippines
Cờ đánh dấu chủ quyền của Philippines được đặt phía trước san hô mềm Sarcophyton tại một bãi đá ngầm ở Benham Rise. Ảnh: OCEANA/UPLB |
Ngày 14/2, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque tuyên bố Manila không công nhận các tên gọi bằng tiếng Hoa dùng cho các thực thể dưới biển ở vùng biển Benham Rise của Philippines vừa được một tổ chức quốc tế tán thành.
"Chúng tôi phản đối và không công nhận các tên gọi bằng tiếng Hoa được đặt cho một số thực thể ở Philippines Rise (tức Benham Rise). Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh hiện đã nêu quan ngại của chúng tôi với phía Trung Quốc" - ông Roque thông tin.
3. Hàn Quốc chi 2,6 triệu USD cho dân Triều Tiên tham dự Olympic
Thế vận hội Olympic Mùa Đông Pyeong Chang 2018 thu hút đông đảo khán giả Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
Ngày 14/2, Hàn Quốc đã thông qua một khoản ngân sách lớn trị giá 2,86 tỷ won, tương đương 2,64 triệu USD để chi cho hàng trăm người dân Triều Tiên tới Hàn Quốc trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Mùa Đông Pyeong Chang 2018.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, khoản ngân sách này sẽ chi trả các chi phí bao gồm chỗ ăn ở cho 424 người Triều Tiên tham gia đội cổ vũ, biểu diễn âm nhạc và môn võ thuật taekwondo, các vận động viên, các nhà báo và các nhân viên hỗ trợ khác. Khoản ngân sách vừa được thông qua lấy từ Quỹ hợp tác liên Triều do Bộ Thống nhất Hàn Quốc quản lý, được thành lập vào năm 1991.
4. Pháp cảnh báo sẽ tấn công nếu bom hóa học được sử dụng tại Syria
Một bệnh viện tại thị trấn Khan Sheikhun sau vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học. Nguồn: Getty Images/TTXVN |
Theo Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/2 tuyên bố "Pháp sẽ tấn công" nếu như vũ khí hóa học thật sự được sử dụng để chống lại dân thường trong cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, ông chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc này.
Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Macron nêu rõ: "Về vấn đề vũ khí hóa học, tôi đã lập ra một giới hạn đỏ và tôi tái khẳng định về giới hạn này. Hiện tại, các cơ quan, các lực lượng vũ trang của chúng tôi vẫn chưa xác minh được rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng để chống lại dân thường."
5. Nam Phi lún sâu vào bế tắc chính trị sau quyết định về Tổng thống Zuma
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tới dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) ở Addis Ababa, Ethiopia ngày 29/1. Nguồn: AFP/TTXVN |
Nam Phi tiếp tục lún sâu vào bế tắc chính trị khi đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền lặp lại yêu cầu Tổng thống Jacob Zuma phải đưa ra quyết định từ chức, đáp lại nhà lãnh đạo 75 tuổi này quả quyết rằng ông "không cần phải đi đâu."
Trong cuộc họp báo diễn ra hồi 19h ngày 13/2 (theo giờ Việt Nam), ANC khẳng định đã yêu cầu ông Zuma từ chức, nhưng không đặt ra thời hạn chót cho việc này. Trước đó, sau cuộc họp kéo dài 13 giờ tại một khách sạn bên ngoài thủ đô Pretoria, Ủy ban Điều hành Quốc gia (NEC) gồm 107 thành viên đầy quyền lực của ANC đã quyết định yêu cầu ông Zuma rút lui khỏi chức vụ tổng thống để có thể khép lại những tranh cãi kéo suốt hai tuần qua liên quan đến tương lai của ông này.
6. Mỹ tiếp tục duy trì trừng phạt Nga bất chấp thỏa thuận Minsk
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Ảnh: Mediaite |
Bộ Ngoại giao Mỹ 13/2 cáo buộc Nga bỏ qua các cam kết trong thỏa thuận Minsk liên quan đến tình hình Ukraine và cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cho tới khi vấn đề Ukraine được giải quyết.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho rằng việc Nga bỏ qua các cam kết trong thỏa thuận Minsk đã gây ra cuộc xung đột nóng ở Ukraine. Mỹ cũng cáo buộc Nga từ chối việc tiếp cận an toàn cho các nhà quan sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
7. Taliban tuyên bố đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan
Các tay súng Taliban ở tỉnh Farah, Afghanistan. Nguồn: AP |
Thông điệp của Taliban được đưa ra trong một tuyên bố gửi cho Mỹ, theo đó lực lượng này nói rằng ưu tiên của họ là giải quyết vấn đề Afghanistan thông qua đối thoại hòa bình.
Tuy nhiên Taliban cũng nói rằng việc họ sẵn sàng tìm kiếm hòa bình không có nghĩa là họ đã kiệt sức và lực lượng này vẫn đủ khả năng tiến hành chiến dịch quân sự bất kể Mỹ có mạnh như thế nào.