Xem chiến binh 4 chân 'xung trận'
Bộ đội biên phòng Việt Nam đã đào tạo những chú chó-loài vật gần gũi với con người, thành những chiến binh thực thụ. Chúng được xem như một vũ khí đặc biệt quản lý ngang hàng với máy bay, xe tăng, song lại có trái tim, bộ óc và tình cảm vui - buồn, biết sinh đẻ....
Tuyển chiến binh 4 chân
Đó là những chú chó chiến sĩ ở Trường Nghiệp vụ 24 bộ đội biên phòng. Trường Nghiệp vụ 24 có vẻ ngoài giống như những doanh trại quân đội khác, nhưng đằng sau cánh cửa của doanh trại là một điều vô cùng thú vị: Ngoài những người lính ra thì ở đây còn có những quân nhân 4 chân, những chú chó được biên chế một cách chính quy và hiện đại.
Các chiến binh 4 chân luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ảnh: G.T
Giới thiệu về nhà trường đại tá Nguyễn Hữu Vượng - Phó Chính ủy của đơn vị cho biết, nhà trường đã trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành. Hiện nay trường đang duy trì 5 cụm chiến đấu trải đều khắp cả nước: Biên giới Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc và 1 cụm trực tiếp đóng ngay tại nhà trường, phục vụ các nhiệm vụ cơ động tại Hà Nội. Ngoài ra, trường còn có đội quân cảnh khuyển tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thiên tai, các tai nạn vùi lấp, sạt lở, sập công trình xây dựng và một bộ phận chó giám biệt nguồn hơi chủ yếu là tìm thuốc nổ, và ma túy cùng các chất cấm. Với rất nhiều thành tích đạt được Trường Nghiệp vụ 24 biên phòng được tặng thưởng rất nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước.
Đại tá Nguyễn Hữu Vượng cho biết thêm, tiêu chuẩn để tuyển chọn, đào tạo được một chú chó thành chiến sĩ vô cùng khắt khe. Tất cả các con chó mà nhà trường quản lý, từ khi sinh ra đều có giấy khai sinh, chết phải khai tử, gia phả ông bà bố mẹ chó ra sao đều được quản lý. Con chó sinh ra, qua khám sàng lọc, nếu đủ tiêu chuẩn về thể chất, các khứu giác, hệ thần kinh..., thì sẽ được tuyển chọn, sau đó mới đào tạo các chuyên ngành.
Chú chó nào phát triển mạnh về khứu giác sẽ được đào tạo chuyên tìm kiếm cứu nạn, hoặc giám biệt nguồn hơi. Còn chú chó nào phát triển hệ thần kinh tốt, khả năng cắn và tấn công cao, sẽ đào tạo chuyên ngành chó chiến đấu. Để được lọt vào mắt những nhà tuyển chọn, chó phải đạt trọng lượng 30kg trở lên, có chiều cao và thân hình cân đối, thể lực khỏe, không mắc dịch bệnh hay có dị tật riêng.
Các huấn luyện viên và chó chiến đấu nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, hạ gục đối tượng trong buổi tập đánh bắt tội phạm ma túy. Ảnh: G.T
Khi đã tuyển chọn được chó đúng tiêu chuẩn, nhà trường sẽ tiến hành ghép đôi giữa chó và các học viên. Mỗi học viên đảm nhiệm một chú chó, học cùng nhau từ sơ cấp đên trung cấp. Học viên phải chăm sóc cho ăn, khám chữa bệnh và chơi đùa với chó của mình, có những học viên mỗi ngày gần 20 tiếng đồng hồ ở bên chú chó đã được phân công làm bạn học của mình. Khi chó và học viên cùng nhau vượt qua các bài thi, như nghe hiệu lệnh tấn công, nhảy qua vòng lửa, tập im lặng khi phục kích, biết ăn các loại thức ăn phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu... thì nhà trường tổ chức tốt nghiệp song trùng. Sau đó biên chế cả người và chó về những cụm chiến đấu đã được phân công.
Cú cắn hủy diệt
Để hiểu thêm về sức mạnh của những chiến binh 4 chân, chúng tôi đã tới cụm chiến đấu số 1 của nhà trường và tận mắt chứng kiến một buổi huấn luyện chiến đấu của đơn vị.
Trung tá Đinh Phú Lợi –Cụm trưởng cụm chiến đấu số 1 ra đề bài: Yêu cầu đơn vị tổ chức mật phục đánh bắt tội phạm ma túy có vũ trang, vượt biên trái phép vào nước ta.
Ngay lập tức cụm chiến đấu được triển khai ngoài thao trường của đơn vị, với những đồi sim mọc tự nhiên cao quá đầu người, những chiến binh 4 chân cùng các huấn luyện viên ngồi im phăng phắc. Khi xuất hiện nhóm người lọt vào trận địa phục kích, được lệnh tấn công, những chú chó lao lên và bằng những cú cắn khủng khiếp đã ngay lập tức hạ gục những đối tượng buôn ma túy có vũ trang.
Để nếm thử sức mạnh của chiến binh 4 chân, tôi cũng xin được mặc đồ bảo hộ vào làm quân xanh để cho chú chó Ti Pô luyện tập. Mặc dù đã được khuyến cáo là khá nguy hiểm và sẽ rất đau, nhưng tôi vẫn quyết tâm để một lần được đối mặt với... những cú cắn hủy diệt.
Bộ đồ bảo hộ nặng tới 15kg được khoác lên người tôi. Cẩn thận hơn, những huấn luyện viên còn bổ sung thêm 2 miếng độn mông khiến tôi đi lại cứng đờ như một con robot. Các anh còn dặn thêm, khi bị ngã, ngay lập tức tôi phải nằm úp mặt xuống đất, để tránh những cú tấn công không mong muốn. Lý do là chó chủ yếu được huấn luyện tấn công bất ngờ vào đùi và khuỷu tay, khi được lệnh sẽ tấn công vào những chỗ hiểm như yết hầu...
Trung tá Đinh Phú Lợi chăm sóc chú chó chiến đấu. Ảnh: G.T
Tôi được đưa vào vị trí, làm quân xanh với tư thế chống đỡ đòn tấn công. Nhưng khi chó Ti Pô được lệnh tấn công, lao vào tôi từ phía sau, tôi đã cảm nhận một sức mạnh “như trời giáng. Không thể chống đỡ, tôi bị ngã sấp mặt về phía trước và cảm giác đùi trái tê dại. Theo đúng hướng dẫn, tôi úp mặt xuống cỏ. Nhưng như có một sức mạnh vạn năng, tôi vẫn bị con Ti Pô kéo đi xềnh xệch, kèm theo tiếng gầm gừ đầy uy lực. Với sự trợ giúp của những người chỉ huy, tôi được giải thoát khỏi hàm răng của Ti Pô với kết quả là một chân đi cà nhắc. Tháo bộ đồ bảo hộ ra, tuy những chiếc nanh không cắm tới da thịt, nhưng trên đùi tôi hiện nguyên một vết tím đen sì do lực tác động từ bộ hàm cực khỏe của chú chó chiến đấu.
Tâm sự về công việc làm quân xanh, trung tá Đinh Phú Lợi cho hay: Trong quá trình huấn luyện, do có quy trình đảm bảo an toàn nên tuy chưa bị chó cắn cho chảy máu hay đe dọa tới tính mạng, nhưng bị thâm tím đau ê ẩm những chỗ bị hai hàm răng chó đớp vào là chuyện thường tình hàng ngày đối với những chiến sĩ huấn luyện chó. Nhưng các anh cũng có những niềm vui không bao giờ đong đếm được, đó là những chú chó luôn trung thành tuyệt đối, sẵn sàng nhận mọi mệnh lệnh của người huấn luyện, kể cả lao vào tội phạm khi chúng đang có vũ khí nóng mà không hề nao núng. Các chiến sĩ 4 chân thực sự đã đóng góp nhiều thành tích bảo vệ ninh trật tự và gìn giữ biên cương của Tổ quốc.