Bị vu oan, 2 anh em vướng vòng lao lý
Sau bốn năm vướng vào lao lý vì bị vu khống, đây là cái Tết đầu tiên anh em Trạng về thăm quê.
Ngụ tại căn gác ở phường Tân Định (quận 1, TP HCM), những ngày này Hồ Thanh Trạng (28 tuổi) vẫn đi phụ hồ cho các công trình xây dựng giúp vợ trang trải nợ nần. Nhưng từ hôm cùng người anh Hồ Thanh Đồng (30 tuổi) được minh oan tội cướp, cuộc sống của vợ chồng anh luôn tràn ngập tiếng cười. Kết thúc gần bốn năm bị bắt giam, truy tố, sống trong mòn mỏi của bản thân anh và gia đình.
"Nghĩ lại mọi chuyện, có lúc tôi cảm giác như mình vừa trải qua một cơn ác mộng. Từ ngày bị vu oan đến giờ tôi chưa về thăm quê. Dù được tại ngoại từ hơn một năm trước nhưng tôi không dám đi đâu vì vẫn mang thân phận bị can. Giờ khác rồi, Mùng 3 Tết tôi sẽ đưa vợ con về thắp nhang cho ông bà tổ tiên", Trạng nói.
Trạng sinh ra ở vùng quê nghèo Hậu Giang. Nhà có ba anh em, 14 tuổi anh phải đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Năm 2008, Trạng theo anh lên Sài Gòn làm rồi kết thân với Danh Lăng và Phan Thanh Tiến. Cả ba cùng ở trong khu nhà trọ tại quận 7. Không lâu sau, Trạng và Lăng cùng theo đuổi thiếu nữ xinh đẹp là công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận. Cô là con gái của người đồng nghiệp thâm giao.
Trạng hạnh phúc bên vợ sau khi được minh oan. Ảnh: Trung Hiếu. |
Không chiếm được cảm tình của cô gái, Lăng cố tình làm thiếu nữ mang thai rồi bỏ đi. Trong một lần ngồi uống cà phê Trạng thấy Lăng chạy xe máy ngang qua nên gọi lại, định báo cho gia đình cô gái. Lúc sau biết chuyện, Lăng gọi điện đe dọa Trạng. Từ đó họ cắt đứt liên lạc. Một năm sau, Trạng lấy vợ.
Một ngày đầu tháng 1/2014, bỗng dưng Trạng và anh trai bị công an đến phòng trọ bắt giam, trong sự bàng hoàng của gia đình. Cơ quan điều tra cho biết, Lăng và Tiến cướp tài sản tại khu chế xuất Tân Thuận, cả hai khai anh em Trạng cũng tham gia.
"Lúc này tôi mới hiểu Lăng chưa quên mối thù xưa, cố tình lôi tôi vào vụ này. Tôi nói nhưng cán bộ điều tra không tin. Bị điều tra viên ép cung, tôi phải nhận cùng anh trai là đồng phạm. Chuỗi ngày sau đó tôi luôn thấy day dứt vì khiến anh mình liên lụy", Trạng cho biết.
Anh kể, lúc mới bị bắt, tinh thần suy sụp vì cuộc sống khắc nghiệt trong trại giam và nỗi nhớ vợ con. Nhưng điều khiến anh đau khổ nhất là ngay cả nhiều người thân quen cũng không tin rằng anh bị oan.
"Vợ tôi lúc đó cũng nửa tin nửa ngờ, còn mẹ vợ thì bảo 'không có làm sao người ta bắt'. Đến khi báo chí đưa tin về vụ án, biết chính xác thời điểm xảy ra vụ cướp cô ấy mới tin tôi bị oan. Bởi tối hôm đó tôi nhậu cùng cô ấy, mẹ vợ và các chú trong gia đình", Trạng nhớ lại.
Hai người vợ trẻ miệt mài kêu oan cho chồng
Ngày chồng bị bắt, bị chủ nhà lấy lại phòng trọ, chị Tâm (vợ Trạng) phải đưa con trai 9 tháng tuổi về ở tạm trong căn gác của mẹ đẻ ở phường Tân Định. Chị phải chăm con không thể đi làm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Con chị phải sống nhờ vào sữa từ thiện và số tiền chị vay mượn khắp nơi.
Với niềm tin chồng không có tội, khi con cứng cáp chị gửi cho bà ngoại, xin việc ở công ty thiết kế đồ họa và bắt đầu hành trình kêu oan cho chồng. Chị đến Trung tâm trợ lý pháp luật Nhà nước tại TP HCM nhờ giúp đỡ và được giới thiệu luật sư Trịnh Đức Duy hỗ trợ bào chữa miễn phí cho hai anh em.
Được hướng dẫn, ngày chị đi làm, đêm về tranh thủ ngồi soạn đơn kêu oan cho chồng rồi cùng chị dâu cũng tên Tâm (vợ anh Đồng) gửi tới các cơ quan chức năng. Mỗi lần chị gửi gần 20 lá thư đến nhiều cơ quan, tổ chức. Hơn một năm ròng rã vụ việc vẫn chưa có tín hiệu.
"Có lúc gia đình chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng, song vẫn tin một ngày nào đó hai anh em được minh oan và được trả lại sự công bằng", vợ anh Đồng nói, giọng buồn rượi.
Chị cho biết, đêm xảy ra vụ án, anh Đồng ở nhà chăm sóc con nhỏ bị bệnh nặng. Sau bữa cơm tối có cả bà nội, con lại lên cơn sốt nên anh phải bế ru ngủ. Lúc con chị vừa chợp mắt thì nhóm cảnh sát đến nhà, yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Chưa biết chuyện gì xảy ra thì anh bị yêu cầu về phường hợp tác điều tra trong sự sửng sốt của vợ và hàng xóm.
Theo nội dung vụ án, tối 8/1/2014, sau khi tan ca, anh Thân (công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) bị Lăng và Tiến chặn đường dùng kéo đe dọa cướp xe máy. Nạn nhân vứt xe chạy vào trụ sở công ty tri hô. Do xe chết máy không chạy được, Lăng và Tiến bị bảo vệ công ty và bảo vệ khu chế xuất bắt giao công an.
Từ lời khai của Lăng và Tiến, Công an quận 7 bắt thêm anh em Trạng. Cả bốn người sau đó bị truy tố về tội Cướp tài sản với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.
Anh em Trạng nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can tại Công an quận 7. Ảnh: T. Tâm. |
Cần một lời xin lỗi công khai
Vụ án được TAND quận 7 nhiều lần đưa ra xét xử, Trạng và anh trai liên tục kêu oan. Họ cho biết, lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra là do bị nhục hình. Nhận thấy chứng cứ buộc tội anh em Trạng chưa đủ cơ sở, nhiều chi tiết không trùng khớp, HĐXX trả hồ sơ điều tra lại.
Đến lần thứ ba tòa mở phiên xử, Lăng thay đổi lời khai, thừa nhận vu oan cho anh em Trạng do còn tức tối chuyện xưa. HĐXX tiếp tục trả hồ sơ điều tra lại vì phát sinh tình tiết mới, đồng thời quá trình điều tra có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Sau hơn hai năm bị tạm giam, anh em Trạng được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú. "Ngày bước ra khỏi trại giam tôi mừng không diễn tả được, chỉ muốn chạy đến ôm lấy vợ...", Trạng quay sang nhìn chị Tâm, ánh mắt rạng rỡ.
Từ đó đến nay anh em Trạng lại đi làm hồ, giúp vợ trang trải cuộc sống, trả nợ. Hàng tuần, họ vẫn phải lên cơ quan chức năng trình diện.
Đến ngày 29/1, Công an quận 7 trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can cho anh em Trạng do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được họ thực hiện hành vi phạm tội.
Không giấu được niềm vui khi được giải oan, Trạng cho biết chưa nghĩ tới việc đòi bồi thường thiệt hại nhưng rất cần lời xin lỗi công khai của cơ quan chức năng, trả lại danh dự cho họ trong ánh mắt đồng nghiệp, hàng xóm.