10 điểm nhấn nổi bật của chính trường thế giới đầu năm 2018
(Baonghean.vn) - Những dấu hiệu hạ nhiệt tại các điểm nóng cùng xu thế đối thoại cởi mở, hợp tác thông qua các hoạt động ngoại giao dồn dập đầu năm, bức tranh an ninh toàn cầu ngày càng có nhiều gam màu sáng hơn, theo chiều hướng tích cực, hứa hẹn một năm thế giới được sống trong hòa giải và hợp tác
1. Đối thoại liên Triều
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2018, quan hệ liên Triều đã có những tín hiệu tốt đẹp khi quan chức đại diện hai miền bán đảo Triều Tiên đã chính thức gặp nhau lần đầu tiên trong hơn hai năm, sau nhiều tháng căng thẳng liên tục leo thang vì hạt nhân và tên lửa. |
2. Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông
Triều Tiên đã cử các quan chức, vận động viên, đoàn nghệ thuật và cổ động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông. Đáng chú ý là các vận động viên và quan chức của hai nước diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Thế vận hội. Trong ảnh: Các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc sánh bước cùng nhau và mang theo Cờ Triều Tiên Thống nhất. |
3. Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên
Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên nhân dịp diễn ra thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donlad Trump đã nói Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên “vào thời điểm thích hợp, trong hoàn cảnh phù hợp”. Hy vọng với nỗ lực của hai miền sẽ biến Thế vận hội thành một sự kiện hòa bình, góp phần cải thiện quan hệ trên bán đảo Triều Tiên. |
4. Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria ở Sochi (Nga)
Tại Trung Đông - điểm nóng nhất của thế giới những năm qua cũng đã diễn ra Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria ở Sochi (Nga). Thành công lớn nhất của Đại hội là đã thành lập được một Ủy ban Hiến pháp để soạn thảo ra một bản hiến pháp mới. Trong ảnh: Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura (đứng giữa) tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga). Ảnh: SANA. |
5. Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Tình hình Biển Đông trong tháng đầu của năm 2018 cũng tương đối lắng dịu. Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Singapore, các nước một lần nữa đã khẳng định lập trường về Biển Đông và nhất trí với đề xuất về triển khai đàm phán thực chất giữa ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử COC vào thời gian tới. |
6. Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc cùng với 50 lãnh đạo doanh nghiệp. Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng... Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ mang lại bước phát triển lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp và EU. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Macron. Ảnh: Reuters |
7. Thủ tướng Anh Theresa May thăm Trung Quốc
Chuyến thăm của bà Theresa May, Thủ tướng Anh đến Trung Quốc hồi đầu tháng 2 với một phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước tới nay thể hiện kỳ vọng của Anh nhằm thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu của Anh, đồng thời tính đến những quan hệ xa hơn giữa hai bên sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Trong ảnh: Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
8. Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Pháp
Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm Pháp nhằm thúc đẩy một chính phủ ổn định trong nước, thúc đẩy hợp tác về các vấn đề đối ngoại và an ninh. Đồng thời cam kết sẽ ủng hộ một hiệp định song phương mới trong năm 2018 nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước và tạo cú huých mới cho hội nhập sâu hơn trong EU. Trục hợp tác Đức - Pháp sẽ thúc đẩy vai trò của EU 27 trong một thế giới toàn cầu hóa. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: Reuters |
9. Tổng thống Nga Putin mong muốn cùng các quốc gia khác đối thoại
Tổng thống Nga Putin cũng mong muốn cùng các quốc gia khác đối thoại để đối phó các mối đe dọa toàn cầu. Ông bày tỏ hy vọng Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Pháp sẽ tới thăm Nga trong năm 2018. Trong thông điệp gửi Tổng thống Mỹ, ông Putin kêu gọi “hợp tác thực tiễn” vì điều này sẽ cho phép Nga và Mỹ tiến tới xây dựng sự hợp tác thực tiễn, định hướng về lâu dài. |
10. Thông điệp liên bang của Mỹ
Tại nước Mỹ, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump cũng kêu gọi sự đoàn kết của nước Mỹ cũng như của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ông kêu gọi tất cả nghị sĩ của hai đảng vượt qua những mâu thuẫn và khác biệt để tìm kiếm điểm chung, thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất trong người dân, cùng nhau “xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và đầy tự hào”. Trong ảnh: Tổng thống Donald Trump đọc thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: ABC |