Mỗi năm dân ta đốt 5.000 tỷ đồng vàng mã?
(Baonghean.vn) - Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm nhân dân đốt tới 5000 tỷ đồng vàng mã. Thực hư về độ chính xác của con số này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay các dịp lễ vu lan là vô cùng lớn.
Cần thiết phải loại bỏ
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội. Một việc làm được cho là rất tích cực và kịp thời nhằm hạn chế tình trạng mê tín dị đoan trong quá trình thực thi tín ngưỡng, tiết kiệm tiền bạc, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.
Mỗi năm người dân tốn rất nhiều tiền để đốt vàng mã cho người quá cố. Ảnh: Internet |
Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ Tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân từ bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời yêu cầu hệ thống các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường… nhất là các tự viện đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo.
Trong những ngày đầu Xuân, tại rất nhiều đền, chùa, miếu mạo rất dễ bắt gặp cảnh rất nhiều hàng mã được trưng bày trước ban thờ. Ảnh: Tư liệu |
Thực hư con số này bao nhiêu, chắc cũng khó tính. Bởi có ai làm thống kê đâu mà biết. Nhưng chắc chắn số tiền thật mà dân mình bỏ ra mỗi năm để mua vàng mã đem đốt cho thần linh, ông bà tổ tiên…không phải là ít. Bởi, bây giờ, có nhà nào cúng giỗ, hay ngày Rằm, mùng Một mà không đốt vàng mã. Ít thì đôi ba mươi nghìn, nhiều thì hàng trăm nghìn, thậm chí là tiền triệu. Nhất là những dịp giỗ chạp, hay đi hội đền này phủ nọ đầu năm.
Đốt vàng mã không phải là thước đo của lòng thành kính
Tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhà thơ Nguyễn Du khi miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều đi tảo mộ trong tiết Thanh minh đã từng viết: “Ngổn ngang gò đống kéo lên. Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay” là gì!
Nhiều gia đình quan niệm trần sao âm vậy nên đã báo hiếu với cha mẹ quá cố của mình bằng cách đốt thật nhiều vàng mã. Ảnh: Tư liệu |
Trải qua nhiều biến thiên của cuộc sống, tục đốt vàng mã có khi nhiều khi ít, nhưng có lẽ, chưa bao giờ người ta lại đốt vàng mã nhiều như bây giờ. Chính quan niệm “ trần sao âm vậy”, sau cái chết, con người còn có một đời sống khác, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế nên gia đình nào cũng muốn người thân của mình ở thế giới bên kia có cuộc sống đủ đầy, từ cơm áo, tiền bạc, ti vi , nhà lầu xe hơi, điện thoại xịn, thậm chí là có cả người giúp việc, có “em út” phục vụ…. Con cháu khi cha mẹ ông bà còn sống chưa có điều kiện chăm sóc thì giờ, càng cố tỏ hiếu thảo khi đốt thật nhiều vàng mã để cha mẹ , ông bà mình ở thế giới bên kia được dùng, xem như một sự đáp đền.
Không chỉ đốt vàng mã ở nhà riêng hay ở mồ mả trong các dịp ma chay, giỗ chạp, việc đốt vàng mã còn diễn ra khá phổ biến ở các đền, chùa, miếu mạo… Đền chùa càng to, càng có tiếng linh thiêng thì người dân đi lễ đốt vàng mã càng nhiều.
Cũng như những năm trước, mùa lễ hội năm nay, có dịp đến các đền chùa nổi tiếng ở miền bắc như Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Trần, Phủ Giầy (Nam Định), Đền ông Hoàng Mười(Nghệ An), Đền ông Hoàng Bảy (Lào Cai), Đền Mẫu (Cao Lộc - Lạng Sơn)…thậm chí là các chùa, điều dễ thấy là ở đâu, cũng rừng rực lửa hóa vàng suốt ngày đêm.
Hầu như ai đến đền, chùa cầu cúng, cũng đều mua và đốt vàng mã. Thế nhưng, mấy ai chịu khó tìm hiểu, liệu có kinh sách nào của Phật giáo và Nho giáo dạy con người ta đốt vàng mã để cúng gia tiên!
Chuyện ông bà tổ tiên, hay thánh thần có nhận được lễ vật, tiền bạc thông qua việc đốt vàng mã hay không thì không ai biết. Nhưng có một điều ai cũng thấy là với hàng chục nghìn tấn vàng mã được tiêu thụ mỗi năm, thì số tiền thật của người dân bốc hơi khỏi túi chắc hẳn là không hề nhỏ.
Chẳng những tốn kém tiền bạc, đốt vàng mã còn gây ra bao hệ lụy: ô nhiễm môi trường, gây hỏa hoạn chết người. Không phải không thấy điều này, nhưng vì mê tín dị đoan, nhiều người đã nhắm mắt làm theo.
Cũng không phải chưa có ai kêu gọi chấm dứt việc đốt vàng mã ở đền chùa! Nhiều chức sắc Phật giáo không chỉ tuyên truyền hướng dẫn Phật tử không đốt vàng mã thông qua các buổi thuyết giảng Phật pháp, mà còn nêu gương “ nói không với vàng mã”, dành tiền làm từ thiện xã hội với số tiền lên đến cả chục tỉ đồng, giúp bao mảnh đời khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Đốt vàng mã – nếu chỉ đơn giản là một phần trong nghi thức thờ cúng thần linh, tiên tổ là việc làm bình thường. Đó là tín ngưỡng dân gian cần được trân trọng. Cái sai là ở chỗ con người ngày nay đã lượng hóa việc đốt vàng mã từ một nghi thức trong quá trình thực hành tín ngưỡng, thành thước đo của lòng thành kính, thành mức độ nặng nhẹ của lời cầu xin, để xin xỏ, đổi chác với thánh thần nhằm mang về cho mình chức tước, bổng lộc, hay một giá trị vật chất cụ thể nào đó. Đến nước này thì rõ ràng, đốt vàng mã đã trở thành hành vi bị biến tướng cần phải phê phán, loại bỏ.
Để chấn chỉnh tình trạng đốt vàng mã tại các lễ hội, cuối năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Mặc dù vậy, từ trước đến nay, đã có ai bị phạt vì đốt quá nhiều đồ mã, hình nhân thế mạng tại các lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa đâu.
Vì vậy, việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tín đồ, Phật tử và người dân chấm dứt việc đốt vàng mã tại các chùa và cơ sở thờ tự của Phật giáo là rất đáng được ủng hộ và nhân rộng ra toàn xã hội, nhằm hạn chế tình trạng mê tín dị đoan, tránh lãng phí tiền bạc, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tinh thần của dân tộc./.