Chuyện buồn “Kế hoạch nhỏ“

Nhà giáo Sông Mã 25/02/2018 10:06

Có trường vì muốn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã đưa cả việc thu gom giấy, vỏ lon vào thi đua của lớp và lấy đó để đánh giá hiệu quả của công tác chủ nhiệm.

Năm nào cũng thế, trước ngày học sinh nghỉ tết, các trường học đều nhận được lệnh thu gom kế hoạch nhỏ của Hội đồng đội huyện gửi về.

Nhận kế hoạch, nhà trường lập tức cho triển khai. Mức thu trên đầu một học sinh tiểu học là 1,5kg giấy, học sinh trung học cơ sở là 2kg giấy hoặc 20 - 30 vỏ lon bia.

Dù khá nhiều giáo viên không bằng lòng với kiểu đưa ra định mức buộc học sinh nộp thế này nhưng là lệnh của cấp trên, thầy cô giáo nào dám phản kháng?

Từ một phong trào mang nhiều ý nghĩa giáo dục học sinh, ngày nay, phong trào "Kế hoạch nhỏ" đã trở thành nỗi áp lực của học trò bởi bệnh thành tích. Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: baotuyenquang.com.vn

Những chuyện buồn quanh việc thu gom

Để có được 1.5 kg - 2 kg giấy không phải là chuyện dễ. Một phụ huynh từng bức xúc phản ứng:

Nhà tôi làm gì có giấy vụn mà gom? Thà nhà trường cứ quy ra tiền hết bao nhiêu chúng tôi nộp đủ, còn bắt thu kiểu này lại cực hơn”.

Rồi chị kể mình phải ra mấy tiệm sách báo cũ để mua giấy cho con mang nộp.

Thế nên học sinh nào cũng chọn cách nộp vỏ lon. Bởi, Tết nhất gia đình nào chẳng có mươi cái vỏ lon bia hoặc nước ngọt.

Nghĩ thế nhưng thực tế vẫn có những gia đình không có vỏ lon vì “nhà vắng đàn ông nên không uống bia. Đã thế, gia đình lại có tới 3 con đang đi học nên chúng giành giật nhau từng cái”, có phụ huynh bức xúc lên tiếng.

Thế rồi để có vỏ lon nộp, những đứa trẻ chỉ còn biết đi lượm vỏ lon tại quán bán nước rong bên đường hoặc quán nhậu. Nhưng các quán bây giờ họ cũng gom lại để bán.

Nhìn cảnh từng đứa trẻ xí phần hay đứng nhìn chằm chằm vào khách để chờ đợi từng vị khách uống xong ném lon xuống đất, chúng vội lao ra để giành giật, và có không ít lần đã xảy ra cảnh đánh, chửi nhau ỏm tỏi.

Lại có em tới trường nước mắt ngắn dài thổn thức thưa rằng “con đã dặn mà mẹ con cứ gom bán hết”.

Rồi em kể sáng nay vì không có vỏ lon mang đi nộp nên không chịu đi học đã bị mẹ la và đánh cho một trận.

Trong cơn tức giận vì bị con khóc lóc mè nheo đòi nghỉ học, mẹ cậu bé cũng đã trút bao bực dọc lên thầy cô, lên nhà trường trước mặt con trẻ.

Làm sai ý nghĩa của phong trào Kế hoạch nhỏ

Thực ra, phong trào Kế hoạch nhỏ của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh vô cùng thiết thực và ý nghĩa.

Đây là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong tại Hải Phòng.

Ngày 2/12/1958, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã viết thư cho phép mở rộng phong trào trên toàn miền Bắc.

Trong lễ khánh thành nhà máy, 18.000 sản phẩm của nhà máy để trao lại cho thiếu nhi miền Nam đang sống dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Hành động này nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa thiếu nhi cả hai miền Nam Bắc.

Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, phong trào được thực hiện thêm ở miền Nam.

Chủ yếu hoạt động thu hồi giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm, "Trồng một cây, nuôi một con",..., học sinh gom giấy vụn, lượm vỏ lon bia để làm phong trào Kế hoạch nhỏ nhưng đảm bảo rằng hỏi các em về ý nghĩa của phong trào này chắc chắn chẳng nhiều em biết được.

Câu trả lời được nghe nhiều nhất vẫn là “thầy cô dặn nộp” hay “nhà trường bắt nộp”…

Tổ chức phong trào Kế hoạch nhỏ không ngoài mục đích bồi đắp lòng nhân ái, tinh thần “nhường cơm sẻ áo” trong mỗi đội viên.

Từ đó, rèn luyện ý thức tiết kiệm, yêu lao động, đoàn kết, sẻ chia, cảm thông với mọi người xung quanh.

Thông qua đó, giáo dục lòng nhân ái, biết giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Thế nhưng cách triển khai phong trào Kế hoạch nhỏ hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước lại chạy theo chỉ tiêu, hình thức như việc quy định chỉ tiêu để buộc vào đầu từng học sinh số lượng giấy, vỏ lon bia và bắt phải nộp trong một thời gian nhất định.

Có trường vì muốn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã đưa cả việc thu gom giấy, vỏ lon vào thi đua của lớp và lấy đó để đánh giá hiệu quả của công tác chủ nhiệm của từng thầy cô.

Dưới áp lực của nhà trường, một số giáo viên lại gây áp lực với học sinh.

Có giáo viên dùng “chiêu” khuyến khích nhưng có thầy cô gay gắt, hù dọa.

Trước sức ép của thầy cô, những đứa trẻ chỉ biết bằng mọi cách phải có được số vỏ lon hoặc số giấy vụn ấy để nộp.

Có không ít em vì muốn được khen đã mang gấp vài lần số lượng nhà trường yêu cầu.

Chúng tôi cho rằng, với cách làm Kế hoạch nhỏ như hiện nay mà nhiều tỉnh thành trong cả nước đang áp dụng đã hoàn toàn làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của phong trào kế hoạch nhỏ trước đây.

Thế nên việc làm này, cần phải được chấm dứt.

Nhà giáo Sông Mã