Nghệ An: Nghiên cứu cơ chế khoán biên chế, khoán tài chính ở cấp xã

Mai Hoa 28/02/2018 16:20

(Baonghean.vn) - Đó là vấn đề đặt ra tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy sáng 28/2 để nghe và cho ý kiến về đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, ngày 27/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp. Các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tham dự. Ảnh: Mai Hoa

Theo dự thảo đề án do Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo, đối với nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị sắp xếp, tinh gọn ít nhất 1 phòng, ban chuyên môn trực thuộc. Như vậy, dự kiến toàn tỉnh sẽ giảm tối thiểu 199 phòng, ban và tổ chức tương đương trực thuộc các cơ quan, đơn vị.

Dự thảo cũng đề nghị sáp nhập một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh. Cụ thể: sáp nhập Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh, Trung tâm xúc tiến du lịch (thuộc Sở Du lịch) và Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) thành một trung tâm; sáp nhập Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; các ban quản lý tại các Sở, ngành…

Đề án cũng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ tinh giản đến năm 2021 đạt tối thiểu 10% biên chế được giao so với năm 2015, trong đó tăng tỷ lệ giảm khối chính quyền; đồng thời tạm dừng việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong giai đoạn rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trong đó không thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ của các cơ quan, đơn vị đang dự kiến sáp nhập, hợp nhất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần rà soát và nghiên cứu tinh giản đội ngũ có trình độ trung cấp, sơ cấp ở một số lĩnh vực, vị trí. Ảnh: Mai Hoa

Tinh giản cán bộ trình độ trung cấp, sơ cấp?

Trên cơ sở những nội dung cốt lõi của dự thảo đề án, tại cuộc họp, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành đã tham gia ý kiến, đưa ra một số quan điểm, nguyên tắc và định hướng triển khai thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn, cho rằng, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức là việc rất khó nhưng không thể không làm và cần sự quyết tâm, quyết liệt để thực hiện.

Dẫn con số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh còn 12.700 người có trình độ trung cấp và 1.389 người có trình độ sơ cấp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ, liệu đội ngũ này có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Bởi vậy, theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cần rà soát đội ngũ này đang tập trung ở lĩnh vực và vị trí nào, từ đó có sự nghiên cứu, cân nhắc có nên tập trung tinh giản biên chế ở đội ngũ này hay không?!

Vấn đề thứ 2 theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn là cần quan tâm phân tích cơ cấu chuyên môn đào tạo của đội ngũ cán bộ ở khối đảng, đoàn thể, chính quyền và có phương án chuyển dịch cơ cấu chuyên môn một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.

Liên quan đến yêu cầu tinh giản biên chế, theo dự thảo đề án đó là thực hiện theo nguyên tắc, tuyển dụng không vượt quá 50% số người được tinh giản, tuy nhiên theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đối với lực lượng viên chức, nhất là viên chức trong ngành Giáo dục - Đào tạo được quy định về tỷ lệ đứng lớp thì liệu có phù hợp và nên chăng là thực hiện nguyên tắc riêng đối với lực lượng viên chức.

Đồng chí Cao Thị Hiền  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh:
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần quan tâm tinh giản biên chế đối với công chức cấp xã. Ảnh: Mai Hoa

Đồng tình với ý kiến Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh gợi mở việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục – Đào tạo theo phương án sáp nhập trường theo hệ thống dọc, nghĩa là 1 trường có nhiều bậc học trong cùng một địa phương; đồng thời bố trí kiêm nhiệm một số chức danh hành chính trong trường học như nhân viên thiết bị, kế toán, văn thư, y tế…

Đồng chí Cao Thị Hiền cũng cho rằng, mặc dù theo tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ không đề cập nhiều việc tinh giản biên chế ở cấp xã, nhưng thực tế số công chức cấp xã hiện nay lớn; đặc biệt có những chức danh, vị trí được bố trí 2 - 3 người trùng lặp, lãng phí rất lớn. Bởi vậy, nên chăng tạm dừng việc tuyển dụng công chức cấp xã để rà soát, điều phối, điều hòa, tinh giản lực lượng này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông nêu thực tế hiện nay ở một số ngành như Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Giao thông - Vận tải có nhiều ban quản lý như ngành Nông nghiệp đang có trên 10 ban quản lý.... Vì vậy đặt ra yêu cầu giảm đầu mối, đảm bảo mỗi ngành chỉ có 1 - 2 ban quản lý.

Nghiên cứu cơ chế khoán biên chế, tài chính ở cấp xã

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá tổ soạn thảo đề án đã rất công phu trong quá trình xây dựng.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu và thống nhất một số quan điểm, nguyên tắc, định hướng, yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, vừa đáp ứng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, ngày 27/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vừa giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Người đứng đầu Tỉnh ủy nêu quan điểm chỉ đạo là những nội dung, phần việc đã rõ thì thực hiện ngay, những vấn đề nào chưa rõ thì nghiên cứu làm thí điểm; Trước mắt cần triển khai sắp xếp, sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh; giữa 2 cơ quan Đảng ủy Khối Các Cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh.

Giao dịch tại bộ phận một cửa của phường Hưng Bình (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối phải được thực hiện toàn diện ở các khối đảng, đoàn thể, chính quyền, khối cơ quan nội chính. Ở mỗi khối cần xác định cơ quan làm điểm để triển khai đồng bộ trên diện rộng. Chẳng hạn khối Đảng bắt đầu thực hiện từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy; khối chính quyền bắt đầu từ Sở Nội vụ; cấp huyện gồm: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu, Con Cuông.

Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất, thực hiện theo thứ tự cấp tỉnh trước, tiếp đến mới là cấp huyện, cấp xã. Riêng đối với cấp xã cần nghiên cứu để có cơ chế khoán biên chế, khoán tài chính, nhằm giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cấp xã.

“Không nên quá máy móc và yêu cầu giảm tối thiểu 10% theo cơ học đối với tất các các cơ quan, đơn vị mà cần phải căn cứ thực tiễn từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh khi đề cập đến việc thực hiện tinh giản biên chế.

Mai Hoa