Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo đó, bộ này đề nghị Bộ GTVT bỏ quy định “đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng” (theo khoản 1 điều 7 và khoản 2, điều 8 của dự thảo), vì cho rằng quy định này không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí.
Theo Bộ Tư pháp, luật Giao thông đường bộ không có quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. “Việc hạn chế dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe hợp đồng phục vụ cho việc đi làm, đi học (đưa đón một cách thường xuyên)…”, văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Trao đổi với PV về ý kiến của Bộ Tư pháp, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho biết dịch vụ đi chung xe hợp đồng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên vẫn cần xem xét, cân nhắc kỹ. “Một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc cũng trong tình trạng chưa có quy định cho phép, nhưng thực tế dịch vụ đi chung xe vẫn hoạt động. Ban soạn thảo đang tổng hợp, cân nhắc các ý kiến”, ông Ngọc nói.
Trước đó, tháng 6.2017, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber VN không thực hiện dịch vụ đi chung xe với xe hợp đồng vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, Grab đang triển khai dịch vụ đi chung GrabShare, Uber VN thì có ý tưởng thực hiện dịch vụ UberPOOL. Thế nhưng, thực tế lệnh cấm này chỉ là “hình thức” vì tới nay, dịch vụ GrabShare vẫn đang được Grab VN triển khai bình thường và chưa có xử phạt chính thức nào được đưa ra mà mới dừng lại ở nhắc nhở.
Mai Hà - Thái Sơn