Độc đáo những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa

Đình Tuân 04/03/2018 15:26

(Baonghean.vn) - Trong cuộc sống lao động sản xuất, người vùng cao gắn bó, nương tựa vào tự nhiên, vì thế văn hóa cũng mang đậm màu sắc của tự nhiên. Từ đó, cây tre, cây nứa đã được các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra các nhạc cụ độc đáo.

Xi xo:

Ảnh: Đình Tuân
Xi xo được sử dụng đệm cho các bài dân ca Thái như lăm, xuối nhuôn... Ảnh: Đình Tuân

Là nhạc cụ dây kéo, được làm từ ống nứa có chiều dài 45-50cm. Trước đây, nhạc cụ có hai dây làm bằng tơ tằm, nhưng ngày nay ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt, cung kéo làm từ một thanh tre mỏng có chiều dài khoảng 45cm, rộng khoảng 1cm; dây cung thường được làm từ những sợi cước nhỏ, nhưng phổ biến nhất là làm bằng dây nứa. Nứa được dùng để làm loại nhạc cụ này phải là loại nứa già và không bị mối mọt. Thường chọn nứa vào khoảng tháng 2 tháng 3, thời điểm này nứa sẽ không mọt, còn tháng 7, 8 nứa tốt nhưng bị mọt.Nhạc cụ này ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho hát dân ca trong sinh hoạt thường ngày.

Tùng tinh:

Ảnh: Đình Tuân
Tùng tinh thường được người Thái sử dụng trong các ngày lễ, tết. Ảnh: Đình Tuân

Nguyên liệu chế tác tùng tinh chủ yếu là tre và cũng có thể là nứa. Tre được chọn để làm nhạc cụ này là loại tre không già, không non quá vì già quá thì trong quá trình móc dây sẽ dễ bị đứt, còn non quá sẽ dễ mọt. Đặc biệt phải chọn loại tre có mắt màu vàng, có đường kính và chiều dài càng lớn càng tốt để làm thân.

Tùng tinh có 5 dây, trong đó 3 dây phát ra tiếng chiêng, 2 dây phát ra tiếng trống. Cả 5 dây đều được xoi và bóc tách từ thân ống tre. Tất cả các đầu dây đều được chèn những miếng tre nhỏ ở phần cuối hai đầu dây. Khi diễn tấu, người ta dùng các đầu ngón tay trái để gảy, búng, phối hợp với tay phải cầm một thanh tre nhỏ đập vào ngang dây trống và thành ống đàn tạo những âm thanh phức hợp và độc đáo.

Nhạc cụ này thường được dùng để hòa tấu với các loại nhạc cụ khác như sáo, mandoline, xi xờ lo…Khi gõ, âm thanh tiếng đàn phát ra tựa như tiếng trống, còn khi gảy âm thanh tựa như tiếng chiêng.

Pí tơm:

Ảnh: Đình Tuân
Chế tác pí khá đơn giản chỉ cần cắt 7 lóng nứa, mỗi đoạn dài 8cm, chuốt lại rồi luồn vào nhau xếp theo thứ tự to đến nhỏ. Ảnh: Đình Tuân

Người Khơ Mú có thể chế tác ra nhạc cụ độc đáo này ở bất cứ nơi đâu, miễn là chỉ cần có một cây nứa nhỏ có đường kính từ 1-1,5cm. Cây nứa để làm Pí tơm phải đủ tuổi, không quá già. Cắt 7 lóng nứa, mỗi đoạn dài 8cm, chuốt lại rồi luồn vào nhau xếp theo thứ tự to đến nhỏ. Đoạn thứ 3 tính từ gốc, dài chừng 24 cm được khoét 3 lỗ cách nhau 6-7 cm, đoạn ống thứ 7 chỉ nhỏ bằng chiếc đũa có cái lưỡi gà, lưỡi gà được tạo từ chính thân cây nứa. Pí thường dùng để đệm cho làn điệu hát tơm của người Khơ Mú, mỗi khi mừng nhà mới, cưới hỏi, lễ tết..

Khèn bè:

Ảnh: Đình Tuân
Ông Vi Thanh Hải, ở bản Chắn xã Thạch Giám, là một trong số ít người ở huyện miền núi Tương Dương làm và sử dụng được khèn bè. Ảnh: Đình Tuân

Là nhạc cụ đa năng nên khèn bè phát huy hiệu quả cao nhất khi đệm cho những làn điệu dân ca Thái (khắp, lăm, nhuôn, xuối).

Khèn bè góp cùng các loại nhạc cụ khác làm nên bản hòa tấu rộn ràng, náo nức, thể hiện niềm lạc quan, yêu đời và tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Thái. Chính vì vậy, với hầu hết các bản làng dân tộc Thái, ngày hội và ngày vui không thể thiếu âm thanh dìu dặt của khèn bè, vì đó chính là "điệu hồn" dân tộc.

Nguyên liệu chế tác khèn bè là 14 khúc nứa loại nhỏ với kích thước dài ngắn khác nhau và ghép thành 7 đôi nằm song song để tạo thành một khối. Khối nứa này được liên kết với nhau bằng một chiếc bầu bằng gỗ, trên các khúc nứa này được các nghệ nhân tạo các lỗ thoát hơi và gắn các lam đồng.

Khèn bè đòi hỏi người sử dụng phải thật sự khéo léo, tinh tế và giàu cảm xúc. Những người giỏi chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè thường được dân bản phong là nghệ nhân.

Tăng boong bu:

Ảnh: Đình Tuân
Tăng boong bu là một trong những loại nhạc cụ của đồng bào Thái. Ảnh: Đình Tuân

Tăng bum bu là nhạc cụ tự thân vang, được cấu tạo từ những ống tre có chiều dài trung bình từ 45-50cm. Nhạc cụ chủ yếu do nữ giới sử dụng, dùng hòa tấu với cồng chiêng và trống. Âm thanh của tăng bum bu vang nhờ vào sự nén hơi đột ngột đập xuống đất và đạp vào nhau. Trong mỗi lần hòa tấu, thông thường tăng bu được biên chế từ 4- 6 người, mỗi người cầm hai ống đập xuống đất hay miếng gỗ và gõ 2 ống vào nhau.

Sạp:

Ảnh: Đình Tuân
Sạp được sử dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Thái. Ảnh: Đình Tuân

Múa sạp hay còn gọi làn nhảy sạp, là điệu múa dân gian đặc sắc của người dân vùng cao trong những dịp vui, trong lễ hội xuân.

Thuở xưa, chưa có nhạc nền, chưa có ca hát, chỉ có tiếng chày vỗ đều đều theo một vài tiết tấu quy định. Rồi từng đôi, từng đôi nam nữ cẩm tay nhau buức vào sạp, họ phải nhảy thế nào cho vừa duyên dáng, vừa không để bị chầy kẹp vào chân. Nhảy sạp không những vui mà còn luyện cơ thể dẻo dai khỏe mạnh. Điệu múa sạp cơ bản rất đơn giản, thường chỉ sử dụng chỉ có vài động tác. Những nét đẹp của giai điệu Thái làm nhạc nền cho múa sạp đã làm giàu cho chất luợng nghệ thuật, tạo nên một khí thế tưng bừng hấp dẫn nguời xem từ đầu đến cuối. Sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm “sạp cái' và 4 đến 5 cặp “sạp con" bằng nứa.

Đình Tuân