“Ban chỉ đạo công tác gia đình hiện hoạt động không hiệu quả“
(Baonghean.vn) - Đây là phát biểu thẳng thắn của ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng VH&TT TP. Vinh trước đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội.
Ngày 8/3, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2017 tại xã Hưng Chính (TP. Vinh).
Bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội làm trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện Sở VH&TT, Sở LĐ-TB&XH, UBND TP. Vinh và các phòng, ban liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh |
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng VH&TT thành phố Vinh khẳng định, sau gần 10 năm triển khai, công tác phòng chống bạo lực gia đình đã được quan tâm, nhận thức của người dân có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Hiện, trên địa bàn thành phố có 373 địa chỉ tin cậy cộng đồng, nhà tạm lánh. Từ năm 2008 đến nay đã tiếp nhận 998 vụ việc cần hòa giải, trong đó hòa giải thành công 816 vụ việc; có 318 vụ việc bạo lực gia đình và tất cả đều đã tiến hành các biện pháp can thiệp xử lý.
Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Chính Nguyễn Hồng Quang cũng cung cấp những số liệu tích cực: từ năm 2009 - 2017, toàn xã chỉ có 24 vụ bạo lực gia đình!
Tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình qua hình thức sân khấu hóa được các địa phương thực hiện khá hiệu quả. Ảnh tư liệu |
Ghi nhận thông tin từ cơ sở, tuy nhiên các thành viên đoàn công tác cũng chất vấn nhiều vấn đề nhìn từ các bảng thống kê số liệu. "Thành phố Vinh có 25 xã, phường nhưng có năm chỉ xảy ra 25 vụ bạo lực gia đình. Con số này đã chính xác chưa? Cách thức thống kê, tập hợp vụ việc như thế nào?" - một thành viên đoàn giám sát hỏi.
Bên cạnh đó, các vấn đề về nhân lực phụ trách công tác gia đình, kinh phí dành cho hoạt động này ở địa phương cũng được đoàn giám sát đề cập tới.
Đại diện UBND xã Hưng Chính và UBND TP. Vinh đã giải đáp những vấn đề đoàn giám sát nêu. Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã thống kê, tập hợp số liệu từ các xóm báo cáo lên và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Biểu số liệu được lập theo hướng dẫn của UBND thành phố.
"Các số liệu là số liệu thực chứ không tự lập ra được" - ông Quang khẳng định và cho biết thêm, tỉnh và thành phố không có ngân sách cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình mà địa phương phải tự cân đối. Năm 2017 chỉ có 6,7 triệu đồng. Vì vậy, chưa có nạn nhân bị bạo lực gia đình nào được hưởng hỗ trợ tiền thuốc men theo quy định.
Ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng VH&TT TP. Vinh thẳng thắn nói: "Ban chỉ đạo công tác gia đình hiện hoạt động không hiệu quả, các thành viên chỉ phối hợp nhẹ nhẹ chứ không thật sự rõ ràng trách nhiệm". Về mặt nhân lực, hiện mỗi cán bộ văn hóa phụ trách nhiều đầu việc nên tính chuyên sâu vào từng lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đã có đầy đủ văn bản về bạo lực gia đình nhưng sự quan tâm của các địa phương, ban, ngành vẫn còn hạn chế! Nếu cứ tiếp tục thế này thì không hiệu quả".
Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến từ cơ sở, bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, vấn đề bạo lực gia đình hiện đã không còn là vấn đề của riêng một cá nhân, gia đình nào, mà trở thành vấn đề của toàn xã hội. Hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình hiện còn gặp nhiều khó khăn, để từng bước tháo gỡ, cần sự quan tâm hơn từ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội. Về các vấn đề mà UBND xã Hưng Chính và TP. Vinh nêu, đoàn giám sát sẽ tổng hợp và trình bày tại cuộc làm việc với UBND tỉnh vào sáng mai, 9/3.
Cũng trong đợt giám sát này, đoàn đã trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với chị em phụ nữ là nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình.