Truyền thông Triều Tiên phớt lờ cuộc gặp Trump - Kim, Nga tấn công sào huyệt khủng bố

Thái Bình 13/03/2018 06:14

(Baonghean.vn) - Vì sao truyền thông Triều Tiên phớt lờ cuộc gặp của ông Trump - Kim? Máy bay Nga dội bom tấn san phẳng sào huyệt khủng bố ở Syria; Phát hiện xưởng sản xuất vũ khí hóa học ở Đông Ghouta?... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Vì sao truyền thông Triều Tiên phớt lờ cuộc gặp của ông Trump - Kim?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 12/3, một quan chức Hàn Quốc nhận định dường như Triều Tiên cần có thêm thời gian và tỏ ra thận trọng trước việc đưa tin về kế hoạch tổ chức họp thượng đỉnh với Mỹ – Hàn.

Theo Yonhap, Triều Tiên chưa đưa ra bất cứ phản ứng chính thức nào về việc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với Seoul vào cuối tháng Năm tới và cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng trong tháng Năm.

Thậm chí, Chosun Sinbo, một tờ báo ủng hộ Triều Tiên ở Nhật Bản đã đưa tin về kế hoạch tổ chức cuộc họp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 10/3 nhưng một ngày sau đã cho xóa bài.

“Triều Tiên dường như cần có thêm thời gian và tỏ ra thận trọng trong cách tiếp cận liên quan tới hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc”, ông Baik Tae-hyun, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói.

2. Máy bay Nga dội bom tấn san phẳng sào huyệt khủng bố ở Syria

Bom tấn của Nga san phẳng sào huyệt khủng bố ở Syria. Ảnh: Almasdar News
Bom tấn của Nga san phẳng sào huyệt khủng bố ở Syria. Ảnh: Almasdar News

Theo Almasdar News, các máy bay chiến đấu của quân đội Nga ngày 11/3 đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích chính xác vào các mục tiêu hang ổ của nhóm phiến quân khủng bố vệ tinh của nhóm Al-Qaeda có tên Ha’yat Tahrir al-Sham (tên gọi trước đây là Jabhat al-Nusra). Nga đã nã “mưa” hỏa lực nhằm đáp trả lại động thái chiếm giữ các làng Hồi giáo Shiite Fouaa và Kafriyah, nằm ở phía bắc tỉnh Idlib, Syria.

Theo các nguồn thạo tin, máy bay Nga đã thực hiện ít nhất 5 cuộc không kích vào các hang ổ, căn cứ, cơ sở chỉ huy đầu não của Ha’yat Tahrir al-Sham bằng các loại bom dẫn đường bằng laser.

3. Phát hiện xưởng sản xuất vũ khí hóa học ở Đông Ghouta?

Khu vực Đông Ghouta tại Syria.
Khu vực Đông Ghouta tại Syria.

Sputnik cho hay, phát biểu trước các phóng viên ngày 12/3, Thượng tá Feruz Ibrahim của quân đội Syria nhấn mạnh, các lực lượng quân chính phủ Syria đã phát hiện một xưởng sản xuất đầu đạn hóa học bí mật của quân nổi dậy trong quá trình truy quét làng Aftris ở Đông Ghouta sau khi lực lượng phiến quân rút lui khỏi khu vực này.

“Rõ ràng, số đạn dược này được sản xuất là để tiến hành một cuộc tấn công và đổ lỗi cho quân chính phủ sử dụng vũ khí hóa học”, ông Ibrahim nói.

Trước đó, Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) xác nhận quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học được chính phủ Syria giao nộp đã hoàn thành.

4. Nga chặn đứng vụ tấn công khủng bố trước thềm bầu cử

Lực lượng An ninh Liên bang Nga (FSB) tăng cường an ninh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018.
Lực lượng An ninh Liên bang Nga (FSB) tăng cường an ninh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018.

Lực lượng an ninh Nga vừa ngăn chặn một âm mưu tấn công của tổ chức khủng bố tại khu vực Saratov. Trong chiến dịch truy quét, lực lượng cũng đã phát hiện thiết bị kích nổ và lựu đạn giấu trong một chiếc xe ô tô.

Đó là tuyên bố của Lực lượng An ninh Liên bang Nga (FSB) được đưa ra ngày 11-3 (giờ địa phương). RT dẫn tuyên bố cho biết, các thành viên của tổ chức khủng bố đã bị bắn chết trong cuộc đấu súng với lực lượng an ninh khi lực lượng này nỗ lực dừng xe ô tô chở chúng. Súng, một quả lựu đạn và một thiết bị nổ tự chế gồm 3 kg thuốc nổ TNT đã được tìm thấy tại hiện trường.
Thành phố Saratov nằm cách phía Đông Nam thành phố Moscow 800km. Lực lượng an ninh đã mở một cuộc điều tra tội phạm liên quan đến âm mưu khủng bố này.

5. Tai nạn máy bay tại Nepal, ít nhất 50 người thiệt mạng

Hiện trường vụ tai nạn máy bay. Nguồn: THX/TTXVN
Hiện trường vụ tai nạn máy bay. Nguồn: THX/TTXVN

Giới chức Nepal cho biết ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong vụ máy bay chở khách của Bangladesh gặp nạn gần Sân bay quốc tế Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu của Nepal chiều 12/3.

Theo phát ngôn viên của cảnh sát Nepal, có 31 người chết tại hiện trường và 9 người tử vong tại 2 bệnh viện ở Kathmandu. Ngoài ra, có 23 người bị thương.
Các nguồn tin cho biết có 67 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay số hiệu S2-AGU của hãng hàng không US-Bangla khi máy bay gặp nạn.

6. Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Slovakia tuyên bố từ chức

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak. Nguồn: sme.sk
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak. Nguồn: sme.sk

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak ngày 12/3 tuyên bố sẽ từ chức, sau những căng thẳng bùng phát liên quan đến vụ phóng viên Jan Kuciak bị sát hại khi điều tra mối quan hệ với mafia của các quan chức cấp cao.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kalinak cho biết: "Điều quan trọng là cần duy trì sự ổn định, vì vậy tôi quyết định sẽ từ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ."
Việc ông Kalinak từ chức cho thấy ông chịu "khuất phục" trước những yêu cầu của đối tác trong liên minh cầm quyền đang tìm cách loại bỏ đồng minh thân cận của Thủ tướng Robert Fico.

7. Căng thẳng gia tăng, Anh dọa tẩy chay World Cup 2018 tại Nga

Cựu Đại tá tình báo Nga Sergey Skripal (giữa).
Cựu Đại tá tình báo Nga Sergey Skripal (giữa).

Tờ Times dẫn nguồn tin từ các cơ quan đặc nhiệm đưa tin, Chính quyền Anh sẽ thảo luận với Mỹ và các đồng minh ở châu Âu về khả năng tẩy chay World Cup 2018 tại Nga trong bối cảnh cựu đại tá cơ quan tình báo quân đội Nga GRU Sergey Skripal và con gái ông bị ám sát.

Theo tờ báo, trong trường hợp tìm ra "dấu vết Nga" trong vụ án này, một phản ứng phối hợp bao gồm các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự sẽ được chính phủ Anh đưa ra. Ngoài Anh, một số nước khác như Ba Lan, Áo và Nhật Bản cũng có thể từ chối tham gia World Cup 2018.

Thái Bình