Mở lòng với Ukraine, NATO kích động căng thẳng với Nga
(Baonghean) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây đã trao cho Ukraine quy chế quốc gia có nguyện vọng gia nhập liên minh này cũng như công nhận ý nguyện của Kiev để trở thành một thành viên đầy đủ của khối này.
Theo quy định, đây là bước đầu tiên dọn đường cho một quốc gia có thể gia nhập NATO. Chưa biết liệu cánh cửa đã thực sự mở với Ukraine hay không, nhưng động thái này chắc chắn một lần nữa khiến mối quan hệ giữa NATO và Nga thêm căng thẳng.
Xin gia nhập NATO là ưu tiên đối ngoại của Ukraine hiện nay. Ảnh: AP |
Cánh cửa NATO đã mở?
Cùng với 3 nước là Gruzia, Bosnia - Herzegovina và Macedonia, Ukraine đã chính thức được đưa vào danh sách các nước mong muốn trở thành thành viên của khối NATO.
Quyết định này dường như đã mở toang cánh cửa cho Ukraine vốn đang ấp ủ ước mơ bước chân vào ngôi nhà chung này.
Nhìn lại các bước tiến trong quan hệ NATO - Ukraine thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định lần này của khối NATO cũng là chuyện không có gì khó hiểu.
Có thể thấy, hợp tác giữa hai bên đã phát triển tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực. Thể hiện rõ nhất thông qua gói hỗ trợ toàn diện NATO dành cho Ukraine, vốn được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Ba Lan năm 2016.
Mới cuối năm ngoái, thành viên dẫn đầu NATO là Mỹ còn thông báo, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine hàng viện trợ với tính năng phòng thủ tăng cường trong bối cảnh căng thẳng ở miền Đông Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó về phía Ukraine, từ tháng 12/2014, Quốc hội nước này đã sửa đổi 2 luật cho phép nước này từ bỏ quy chế không liên kết và có kế hoạch trở thành thành viên của NATO.
Đến tháng 6 năm ngoái, cơ quan lập pháp Ukraine tiếp tục thông qua một số dự thảo sửa đổi của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko quy định việc xin gia nhập NATO là ưu tiên đối ngoại của đất nước.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) trong một cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Kiev năm 2017. Ảnh: Reuters |
Bất chấp nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, nỗ lực cố gắng của Kiev suốt những năm qua đã bước đầu có kết quả, thực tế có lẽ sẽ khiến nước này thất vọng!
Nhiều quan chức NATO từng tuyên bố rằng, để gia nhập NATO, Ukraine buộc phải đạt được một loạt tiêu chí khắt khe và việc thực hiện những tiêu chí này mất nhiều thời gian.
Ngay Ngoại trưởng Ukraine tháng 2 vừa qua cũng thừa nhận rằng, Kiev vẫn chưa sẵn sàng trở thành thành viên của NATO.
Thực tế không thể phủ nhận, Ukraine vẫn đang xảy ra nội chiến - điều đi ngược lại yêu cầu quan trọng nhất của NATO là không có xung đột hay tranh chấp lãnh thổ. Kèm với đó là các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe về dân chủ hay chính trị.
Trong khi đó, theo giới quan sát, việc tiếp nhận thêm một quốc gia có năng lực quân đội chưa đủ mạnh, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của khối như Ukraine là việc “không cần thiết”.
Theo giới quan sát, việc Kiev đến nay vẫn sở hữu hệ thống trang thiết bị được sản xuất từ thời Liên Xô cũ cùng đội ngũ binh sỹ được đào tạo không bài bản đang ngày càng làm xói mòn năng lực của quân đội. Điều này sẽ chỉ khiến NATO thêm gánh nặng với một “mắt xích yếu” như vậy.
Khiêu khích Nga
Theo giới quan sát, việc kết nạp một thành viên “nhạy cảm” như Ukraine không những không làm NATO mạnh thêm mà còn khiến khối này vướng vào những căng thẳng không có hồi kết với Nga. Thậm chí còn là một cuộc chiến tranh không khoan nhượng.
Tất nhiên, đây là điều mà cả Nga và NATO không hề mong muốn, dù quan hệ hai bên chưa hề hạ nhiệt kể từ khi cuộc nội chiến Ukraine nổ ra cuối năm 2013 và Nga sáp nhập Crimea sau đó.
Máy bay B -52 của Mỹ cùng các chiến đấu cơ của các nước Ba Lan, Đức, Thụy Điển bay trên biển Baltic. Ảnh: U.S. Air Force |
Thực tế, Mỹ - quốc gia dẫn đầu NATO cũng không hề muốn một cuộc xung đột với một cường quốc hạt nhân như Nga. Và rằng, NATO vốn chỉ muốn Ukraine là tấm bia đỡ đạn và “con bài mặc cả” với Nga mà thôi.
Bởi thế, giới quan sát nhận định, có thể có một số lý do khiến NATO vốn không hề muốn có thêm một thành viên bất ổn như Ukraine, lại “mở hờ cánh cửa” với Kiev vào lúc này.
Thứ nhất, vị thế của Nga thời gian qua không chỉ gia tăng mạnh mẽ trong các hồ sơ quốc tế mà còn đang dần trở nên thiện cảm với chính người dân Ukraine. Tất nhiên, đây là điều cả chính quyền Kiev và NATO không hề mong muốn.
Thứ hai, Nga đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng vào cuối tuần này. Vì thế, việc Nga phải phân tán mối bận tâm về việc Ukraine gia nhập NATO có lẽ là điều khối này đang tính toán.
Tiếp nữa, động thái của NATO còn được cho là thông điệp cảnh cáo gửi đến Tổng thống Nga Putin nếu ông tiếp tục tranh cử và đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Động thái của NATO còn được cho là thông điệp cảnh cáo gửi đến Tổng thống Nga Putin. |
Bởi rõ ràng, mối quan hệ phức tạp, căng thẳng giữa Nga với NATO hay EU cũng là một trong những thách thức mà cử tri Nga sẽ đặt ra đối với bất cứ ai đắc cử Tổng thống trong kỳ bầu cử tới đây.
Với những diễn biến như hiện nay, ai cũng hiểu rằng, kịch bản Ukraine gia nhập NATO sẽ còn rất xa vời. Chỉ biết rằng trước mắt, quan hệ giữa NATO và Nga chắc chắn sẽ trở nên căng thẳng. Và cuộc bầu cử Tổng thống Nga vì thế cũng trở nên sôi động hơn trước ít nhiều./.