Tướng Cương: Từ sự kiện Gạc Ma, Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ

Hoài Thu 14/03/2018 08:39

(Baonghean) - Tròn 30 năm diễn ra sự kiện Gạc Ma (ngày 14/3/1988), sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam tạc vào lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, nhắc nhở các thế hệ nêu cao tinh thần yêu nước, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an để làm rõ bối cảnh cũng như những bài học lịch sử xung quanh sự kiện này.

Gạc Ma có vị trí đặc biệt quan trọng ở quần đảo Trường Sa.
Gạc Ma có vị trí đặc biệt quan trọng ở quần đảo Trường Sa.

P.V:Thiếu tướng có thể đánh giá khái quát bản chất của sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam 6 đảo đá chìm ở quần đảo Trường Sa, bao gồm: Gạc Ma, Tư Nghĩa, Ga Ven, Chữ Thập, Xu bi, Châu Viên. Trong đó, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đánh chiếm được đảo Gạc Ma.

Các chiến sỹ hải quân của chúng ta đã chiến đấu hết sức dũng cảm, thể hiện tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong tương quan lực lượng, hải quân Trung Quốc lớn gấp 10 lần Hải quân Nhân dân Việt Nam nhưng các chiến sỹ hải quân của chúng ta đã chiến đấu không hề run sợ, vẫn bám đất, giữ đảo đến tận cùng. Trong cuộc chiến tại Gạc Ma, 64 chiến sỹ hải quân của ta đã anh dũng hy sinh.

Vào thời điểm Trung Quốc đánh chiếm, Việt Nam đã sở hữu quần đảo Trường Sa từ giữa thế kỷ XVIII, mà không có sự tranh chấp nào; các hòn đảo ở Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của nước ta, đúng với luật pháp quốc tế. Do đó, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân đánh chiếm 6 đảo nói trên là hành động xâm lược chủ quyền của Việt Nam.

Trước hết đây là một hành động vi phạm Khoản 3, Điều 2: quy định các thành viên Liên Hợp quốc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; Khoản 4, Điều 2: cấm chỉ các thành viên Liên Hợp quốc đe dọa dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp của Hiến chương Liên Hợp quốc.

Trung Quốc cũng đã vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc tháng 10/1970, quy định lãnh thổ một quốc gia không thể là đối tượng cưỡng chiếm của quốc gia khác, những lãnh thổ bị cưỡng chiếm bằng vũ lực không tạo ra cơ sở pháp lý cho nước đi chiếm. Trung Quốc cũng vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

P.V: Thiếu tướng có thể phân tích hơn vì sao Trung Quốc lại đánh chiếm 6 hòn đảo của Việt Nam ở Trường Sa vào năm 1988 mà không phải là thời gian khác?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc đánh chiếm 6 hòn đảo của Việt Nam, trong đó có đảo Gạc Ma là một hành động nằm trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Sở dĩ, họ chọn thời điểm này để đánh chiếm 6 đảo đá của Việt Nam vì nước ta lúc đó đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình cảnh chưa bao giờ khó khăn đến vậy.

Còn đối với thế giới, lúc này Liên Xô, đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, thời điểm 1988 cũng rơi vào khủng hoảng toàn diện, phải gồng mình xử lý những vấn đề nội bộ cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Họ không còn đủ sức để quan tâm đến Việt Nam.

Vòng tròn bất tử ở Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: tuoitre.vn
Vòng tròn bất tử ở Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: tuoitre.vn

Bối cảnh trong nước, quốc tế lúc đó như vậy nên Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam thì Mỹ, Liên Xô không phản đối, cộng đồng quốc tế không phản đối, Việt Nam bị cô lập hoàn toàn. Lúc đó, thậm chí Trung Quốc còn kết hợp với Mỹ bao vây cấm vận Việt Nam.

6 đảo đá của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm có vị trí chiến lược quan trọng, tạo thành một thế phòng thủ chiến lược chốt chặn toàn bộ khu vực Trường Sa từ cực Bắc đến cực Nam, từ cực Đông đến cực Tây. Về lâu dài có khả năng khống chế toàn bộ mọi phương tiện qua lại trên Biển Đông khi cần thiết.

P.V:Từ sự kiện Gạc Ma, chúng ta có thể rút ra bài học gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi có 5 bài học cần lưu ý:

Thứ nhất: Cần nhận thức rõ bạn - thù, đối thủ - đối tác. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2003 và năm 2013 đã nói rõ về quan hệ đối tượng và đối tác.

Sau vụ xâm lược ở Gạc Ma và những hành động xâm lấn chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc đã cho Đảng ta nhận thức mới về đối tượng và đối tác. Trong vấn đề này thì Trung Quốc là đối tượng, đối tác hợp tác, nhưng trong vấn đề khác thì Trung Quốc lại là đối tượng đấu tranh, nhất là các vấn đề trên Biển Đông.

Thứ hai: Không để Việt Nam bị cô lập trên thế giới, đây là bài học quan trọng nhất. Năm 1988, Việt Nam rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn. Trung Quốc và Mỹ cùng với các thế lực phản động trên thế giới tập trung bao vây, cấm vận Việt Nam.

Nhận thức được điều đó, đến nay Việt Nam đã có quan hệ đối tác toàn diện với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên thế giới.

Phải gắn liền với cộng đồng quốc tế, làm cho sức mạnh dân tộc gắn bó với sức mạnh thời đại mới có đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Đảo Gạc Ma, Quần đảo Trường Sa, Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.Ảnh AMTI/Digital Globe

Thứ ba: Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ. Gần 100 triệu người Việt Nam với sức mạnh đoàn kết, với một nền kinh tế phát triển mạnh, có sức mạnh quân sự, an ninh sẽ là điều kiện lớn để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Thứ tư: Sau sự kiện Gạc Ma 1988, lịch sử cho thấy rằng, dân tộc Việt Nam trên dưới một lòng, hòa thuận là điều kiện quan trọng để giữ nước. Sau Đại hội Đảng lần thứ XII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã bước sang bước ngoặt mới, hàng chục vụ án lớn, hàng chục cán bộ cao cấp bị xử lý, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 (khóa XII) cũng là những biện pháp quan trọng nhất để Đảng ta tạo ra sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, làm cho người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam.

Thứ năm: Cần phải đưa sự kiện Gạc Ma vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; cần đưa vào trong hệ thống sách giáo khoa trong nhà trường, cần nghiên cứu sâu hơn về sự kiện này. Báo chí cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ về nội dung, ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.

P.V:Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này.

Hoài Thu