Tương lai sóng gió trong mối quan hệ Mỹ-Trung sau khi ông Tillerson bị cách chức
(Baonghean.vn)- Giới quan sát ngoại giao cảnh báo sự ra đi bất ngờ của ông Rex Tillerson với tư cách Ngoại trưởng Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc mối quan hệ song phương Mỹ-Trung sẽ trải qua thời kỳ khó khăn hơn, và đồng thời khiến Bắc Kinh khó lòng thúc đẩy các cuộc tiếp xúc với Washington.
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo sẽ kế nhiệm ông Tillerson. Hồi tháng 1 vừa qua, ông Pompeo cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa lớn đối với Mỹ” tương tự như Nga, bởi sự thâm nhập của Trung Quốc vào các trường học và bệnh viện.
Trung Quốc nỗ lực thiết lập đầu mối tiếp xúc với Mỹ. Ảnh: AP |
Việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Pompeo vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã dấy lên lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể đưa ra cách tiếp cận diều hâu hơn đối với Bắc Kinh, mối quan hệ vốn luôn sóng gió với các tranh chấp thương mại và an ninh.
Giới phân tích nhận định sự ra đi bất ngờ của ông Tillerson có thể sẽ kéo theo động thái một số trợ lý thân cận khác có mối bất đồng sâu sắc với ông Trump sẽ có số phận tương tự, trong đó có cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster. Sự thay đổi nội các đột ngột khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc gặp khó khăn khi không biết sẽ liên lạc với ai, khi một số nhân vật thân cận có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng, việc bổ nhiệm ông Pompeo, một thành viên của “đảng trà” siêu bảo thủ, nắm vị trí Ngoại trưởng Mỹ đồng nghĩa với việc một nhân vật có tư tưởng cứng rắn sẽ đứng “trên tiền tuyến” trong mặt trận chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Rex Tillerson được xem là quan chức ôn hòa khi so với các nhân vật khác trong chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: AP |
Chuyên gia này nhận xét: “Đây thực sự là tin không vui đối với mối quan hệ Mỹ-Trung. Một khi ông Pompeo được chính thức bổ nhiệm thì điều này có thể gây ra sự leo thang hơn nữa trong bất đồng thương mại giữa hai nước, và căng thẳng có thể lan sang cả lĩnh vực an ninh và ngoại giao. Ông Pompeo lâu nay luôn duy trì lập trường bảo thủ, và có khả năng còn cứng rắn hơn ông Trump trong mối quan hệ Mỹ-Trung, mà ở mức độ nhất định nào đó sẽ làm gia tăng xung đột giữa hai nước”.
Trước đây, Cựu Chủ tịch hãng lọc dầu Sinopec của Trung Quốc cho rằng ông Tillerson, người mà ông từng gặp gỡ trong giai đoạn 2011-2015, là người “cố gắng hiểu người khác” và “sẽ cố gắng ngồi xuống” để giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Quảng Châu (Trung Quốc) cho rằng, sự ra đi của ông Tillerson sẽ loại bỏ trở ngại lớn nhất trong “gốc rễ chính sách không kiểm soát được” của Tổng thống Trump.
Còn Giáo sư Robert Ross nghiên cứu khoa học chính trị tại Cao đẳng Boston (Mỹ) cho hay ông không tin tưởng lắm với “chính sách đối ngoại ổn định, hướng tới mục tiêu” của Mỹ sau khi ông Tillerson bị cách chức.
Chuyên gia Ross nêu rõ: “Ông Pompeo có xu hướng ủng hộ bản năng cũng như những ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Trump, và điều này có thể gây ra tác động ít ôn hòa hơn, và có khả năng khơi dậy bản năng tồi tệ nhất của Tổng thống”.
Việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Pompeo vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã dấy lên lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể đưa ra cách tiếp cận diều hâu hơn đối với Bắc Kinh. Ảnh: Getty |
Tuy vậy, ông Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân, kiêm cố vấn Quốc vụ Trung Quốc, cho rằng sự thay đổi vị trí Ngoại trưởng Mỹ sẽ không thiết lập lại mối quan hệ Mỹ-Trung. Theo ông, ông Tillerson chưa bao giờ đóng vai trò quyết định trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ, xét tới việc chỉ có duy nhất Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump mới thực sự lèo lái mối quan hệ này.
Như vậy, theo ông Thời, điều này có nghĩa nhiều quan chức Trung Quốc như Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ phải làm quen với ông Pompeo, song giọng điệu song phương chính, trong đó có việc gia tăng xung đột giữa hai nước, sẽ không thay đổi./.