Trung Quốc tuyên bố đạt đột phá với pháo điện từ trên tàu chiến

Tử Quỳnh 16/03/2018 16:13

Bắc Kinh dường như đã làm chủ công nghệ nạp điện cho pháo điện từ trên tàu chiến có thể bắn ra đầu đạn nhanh gấp 6 lần âm thanh.

Khẩu pháo điện từ trên tàu đổ bộ Type-072II. Ảnh: SCMP

Cổng thông tin điện tử 81.cn của quân đội Trung Quốc hôm 14/3 xác nhận nước này đang thử nghiệm pháo điện từ do họ tự phát triển và lắp đặt trên tàu chiến. Bắc Kinh tuyên bố đã đạt được đột phá mới, giúp pháo điện từ hoạt động một cách ổn định trên chiến hạm.

Zhang Xiao, chuyên gia thuộc Đại học Kỹ thuật Hải quân của quân đội Trung Quốc, kỹ sư trưởng dự án chế tạo hệ thống điện một chiều xung lặp để nạp điện cho pháo điện từ, cho biết họ đạt được đột phá sau hàng trăm lần thất bại và hơn 50.000 thử nghiệm khác nhau.

Zhang cũng là người đứng đầu nhóm nghiên cứu đang tìm cách vượt qua những rào cản kỹ thuật trong quá trình lắp đặt hệ thống phóng điện từ trên tàu chiến, được cho là có thể ứng dụng trên các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ vẫn giữ ưu thế trong phát triển nguồn năng lượng cho pháo điện từ, nhưng đột phá mới sẽ giúp Trung Quốc bắt kịp đối thủ để sở hữu loại vũ khí uy lực này.

Dự án pháo điện từ có sự góp mặt của 200 nhà khoa học từ 20 đơn vị nghiên cứu khắp Trung Quốc. Hồi đầu tháng 2, các diễn đàn mạng về công nghệ Trung Quốc đã lan truyền hình ảnh cho thấy hải quân nước này lắp một khẩu pháo nghi là pháo điện từ cỡ lớn lên mũi tàu đổ bộ lớp Type-072II.

Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Theo Văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ (NRO), pháo điện từ có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này.

Tử Quỳnh