Nghệ An sẽ chính thức số hóa truyền hình mặt đất từ 31/12/2018

Phan Nguyên Hào 16/03/2018 15:20

(Baonghean.vn) - Theo lộ trình số hóa mặt đất, sau ngày 31/12/2018, Nghệ An sẽ chính thức ngừng phát sóng toàn bộ các kênh chương trình truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng số. Việc dừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sẽ ảnh hưởng đến những gia đình dùng ăng-ten thu sóng truyền hình.

Số hóa truyền hình mặt đất là gì?

Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Đề án chính thức khởi động từ ngày 01/04/2014 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đồng thời, mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao.

Theo đề án, đến năm 2020, phải bảo đảm 100% các hộ gia đình có máy thu hình được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình. Đến năm 2020, toàn quốc sẽ chuyển từ truyền hình tương tự sang truyền hình số mặt đất. Theo tính toán, khi chuyển đổi, có khoảng 8,5 triệu tivi của các gia đình sẽ không thu được tín hiệu nếu không lắp thêm đầu thu hình số mặt đất...

Việc chuyển đổi sang truyền hình số là xu hướng tất yếu của thế giới.
Việc chuyển đổi sang truyền hình số là xu hướng tất yếu của thế giới.

Số hóa truyền hình mặt đất mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, như chất lượng cao về hình ảnh, âm thanh, tăng số lượng kênh truyền hình được truyền… Mặt khác, khi chuyển sang truyền hình số mặt đất nguồn tài nguyên tần số vô tuyến điện được sử dụng hiệu quả hơn nhiều vì một kênh tần số có thể truyền được nhiều kênh chương trình truyền hình số so với chỉ một kênh của truyền hình tương tự. Về phía nhà nước, khi kết thúc quá trình số hóa truyền hình, một phần của băng tần đang sử dụng bởi truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng sẽ là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, quá trình số hóa truyền hình mặt đất là xu hướng tất yếu và thực tế đã diễn ra trên phạm vi toàn thế giới vì chính lợi ích mà nó mang lại.

Lộ trình số hóa truyền hình mặt đất tại Nghệ An

Theo lộ trình, Nghệ An sẽ chính thức ngừng phát sóng toàn bộ các kênh chương trình truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng số kể từ 0h ngày 31/12/2018. Việc dừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sẽ ảnh hưởng đến những gia đình dùng ăng-ten thu sóng truyền hình bằng công nghệ tương tự. Với những hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình Internet... sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo thống kê đến 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh có trên có 15.980 hộ nghèo và cận nghèo thuộc 21 huyện, thành phố, thị xã là những đối tượng sẽ được xem xét hỗ trợ từ đề án. Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An và các cơ quan liên quan tuyên truyền, thông báo đến người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng. UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện thống kê số lượng hộ nghèo và cận nghèo tính đến 31/12/2017 đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu DVB-T2. Trên cơ sở danh sách Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất đến từng hộ dân thuộc diện được hỗ trợ. Tiến độ thực hiện phải hoàn thành trước thời hạn 31/12/2018.

Tại Nghệ An, đề án số hóa truyền hình mặt đất thực hiện việc chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu xem truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất hoặc sang phương thức truyền hình khác. Do đó, chỉ những địa bàn mà trước đây người dân thu xem được truyền hình tương tự mặt đất mới thuộc phạm vi tác động của đề án. Các địa bàn chưa phủ sóng tương tự hoặc các hộ gia đình ở vùng này đang xem truyền hình qua vệ tinh hoặc qua các phương thức thu truyền hình khác không thuộc phạm vi triển khai của đề án. Như vậy, địa bàn thực hiện là khu vực người dân thu xem truyền hình tương tự từ trạm phát sóng chính và địa bàn người dân thu xem truyền hình tương tự mắt đất phát lại.

Việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sẽ được các đơn vị truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình thực hiện. Hiện nay Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã phủ sóng truyền hình số mặt đất một phần tỉnh Nghệ An từ các trạm phát sóng chính tại núi Thiên Tượng, tỉnh Hà Tĩnh để truyền tải các kênh truyền hình của VTV, VTC và kênh truyền hình Nghệ An (NTV). Đài phát thanh truyền hình Nghệ An sẽ lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và đưa kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương phát sóng không khóa mã trên hạ tầng truyền dẫn trước thời điểm 30/12/2018.

Để hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi thu xem truyền hình tương tự sang truyền hình số, nhà nước ban hành quy định hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện tại địa bàn thuộc vùng phủ sóng của các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất. Mỗi hộ nghèo, cận nghèo sẽ được nhà nước hỗ trợ 1 đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh kèm theo ăng-ten thu phù hợp cùng với dây cáp nối có độ dài tối đa 15 mét (đối với chế độ thu ngoài trời), được lắp đặt hoàn chỉnh và bảo hành ít nhất 12 tháng tính từ ngày hộ gia đình nhận bàn giao đầu thu truyền hình số. Từ nay đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2018, các hộ nghèo và hộ cận nghèo được nhà nước làm các thủ tục hỗ trợ đầu thu truyền hình số để xem truyền hình.

Theo báo cáo khảo sát của Công ty TNS Media Việt Nam năm 2016, tại khu vực Trung bộ, tỷ lệ hộ gia đình có máy thu hình sử dụng phương thức thu truyền hình mặt đất bằng anten là chủ yếu, tỉ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình số qua vệ tinh (DTH) tại khu vực Trung bộ là 34%, tỉ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình tương tự mặt đất là 13%. Sở TT&TT Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan xác định vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, xác định địa bàn chuyển đổi thu xem truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số qua vệ tinh (DTH), lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất để người dân biết lợi ích, kế hoạch chuyển đổi, địa bàn thực hiện trước thời điển dừng phát sóng truyền hình tương tự. Ngoài ra căn cứ khả năng ngân sách địa phương quyết định hỗ trợ đầu thu truyền hình số với các đôi tượng chính sách xã hội có điều kiện khó khăn không thuộc đề án.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, địa hình phức tạp, đồi núi, ảnh hưởng tới việc triển khai hạ tầng truyền dẫn phủ sóng truyền hình và cả triển khai lắp đặt đầu thu cho từng hộ gia đình với số lượng lớn và phạm vi rộng. Đây thực sự là một giai đoạn khó khăn trong thực hiện đề án số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phan Nguyên Hào