Ông Tập Cận Bình chính thức tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc
Sáng 17/3, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch Trung Quốc khóa mới.
Ông Tập Cận Bình |
Phiên họp toàn thể lần thứ năm, trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII (tức Quốc hội) sáng nay cũng đã biểu quyết thông qua phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện.
Tại hội nghị sáng nay, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã bỏ bốn phiếu bầu lần lượt cho các vị trí Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch quân ủy trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Ủy viên trưởng, Phó ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ, Trưởng thư ký Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Khoảng 9h43 (giờ Bắc Kinh), toàn thể đại biểu trong Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh đã tiến hành bỏ phiếu bầu các vị trí trên.
Với kết quả 2970/2970 phiếu bầu hợp lệ, ông Tập Cận Bình chính thức tái đắc cử vị trí Chủ tịch Trung Quốc khóa XII.
Ông Tập Cận Bình sinh năm 1953, quê ở Thiểm Tây, Trung Quốc - thuộc thế hệ "hồng nhị đại " cụm từ để chỉ hậu duệ của thế hệ hệ cách mạng đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập đã ghi dấu ấn đối với người dân Trung Quốc qua kết quả của chiến dịch chống tham, khiến hàng nghìn quan chức "ngã ngựa" và đề xướng Giấc mộng Trung Hoa với mục đích nhằm khôi phục vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Trước đó ngày 11/3, gần 100% trong số 2.964 đại biểu tham dự phiên toàn thể lần thứ ba, trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII đã bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Trong đó có điều khoản hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước. Ngoài ra, hiến pháp Trung Quốc còn được bổ sung Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và Quan điểm phát triển khoa học của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc một lần nữa được ghi nhận với điều lệ bổ sung khi vai trò này là "đặc điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". Một cơ quan chống tham nhũng cấp quốc gia cũng được triển khai.
Cuối tháng 10/2016, tại Hội nghị toàn thể trung ương 6 Đại hội khóa XVIII, ông Tập đã được xác lập trở thành "lãnh đạo hạt nhân" của trung ương ĐCSTQ. Điều này khiến ông trở thành lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc sau thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Với việc tái đắc cử Chủ tịch nhiệm kỳ khóa XIII cùng quyết định hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với vị trí này, ông Tập có khả năng sẽ tiếp tục tại vị sau năm 2023, thậm trí trọn đời.
Động thái bãi bỏ điều lệ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước đã dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận Trung Quốc về việc ông Tập sẽ làm lãnh đạo trọn đời.
Để trấn an dư luận, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo cho biết, theo hiến pháp nước này thì chức vụ của các lãnh đạo đều không phải trọn đời, mà có thể thay đổi hoặc miễn nhiệm nên vì lý do khách quan như sức khỏe, tuổi tác, chức vụ Chủ tịch như của ông Tập cũng có thể bị bãi nhiệm.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Bắc Kinh Đặng Duật Văn dự đoán, ông Tập sẽ không nắm quyền trọn đời mà sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2037 - sau khi hoàn thành những mục tiêu cơ bản trong giai đoạn đầu Giấc mộng Trung Hoa.
Cũng theo ông này, để nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo cấp cao khác về sửa đổi hiến pháp, ông Tập đã phải thỏa hiệp về việc không giữ cương vị Chủ tịch nước trọn đời.