Chai rượu khiến 3 người tử vong ở Nghệ An được ngâm từ cây lá ngón

P.V 19/03/2018 18:01

(Baonghean.vn) - Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, chai rượu khiến 4 người ngộ độc, trong đó 3 người tử vong ở Nghệ An chứa Koumin, đây là hợp chất có trong cây lá ngón.

Như baonghean.vn đã đưa tin vụ ngộ độc xảy ra vào lúc 14h30 ngày 12/3/2018 tại nhà ông Moong Văn Đi trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn khi bốn người là anh em, vợ chồng trong cùng gia đình tổ chức uống rượu, sau khi uống rượu được 30 phút, cả bốn người đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, vật vã, ngất xỉu.

Cận cảnh chai rượu kịch độc khiến 3 người chết ở Nghệ An

Cận cảnh chai rượu kịch độc khiến 3 người chết ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Liên quan đến vụ việc 3 người tử vong, 1 người nguy kịch sau khi uống rượu ngâm cây rừng ở Kỳ Sơn, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã niêm phong chai rượu ngâm cây rừng được cho là nguyên nhân khiến 3 nạn nhân người Khơ mú tử vong tại xã bản Chà Lắn, xã Hữu Lập để phục vụ điều tra.


Ngay sau đó, các nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn và đã có 3 người tử vong là ông Moong Văn Đi (40 tuổi), bà Lô Thị Văn (40 tuổi, vợ ông Đi) và em trai Moong Văn Tuệ (37 tuổi), anh Lữ Văn Khăm (24 tuổi, là em rể của ông Đi) được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh để cấp cứu.

Sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cử đoàn cán bộ lên địa bàn huyện Kỳ Sơn để điều tra, giám sát.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã nhận định vụ ngộ độc trên nghi do uống rượu ngâm cây, rễ là loại cây rừng không xác định loại.

Ngay sau đó, mẫu rượu mà các nạn nhân uống đã được gửi ra Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để tiến hành xét nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy nguyên nhân gây ra vụ 04 người ngộ độc, trong đó 03 người tử vong tại Bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn là chất Koumin, đây là hợp chất có trong cây lá ngón. Koumin là một trong những thành phần tạo nên alcaloid có trong cây lá ngón giống như Gelsenicin, Gelsamydin, Gelsemoxonin,…

Số cây dùng để ngâm rượu còn lại được lực lượng công an thu về để phục vụ điều tra. Ảnh: PV

Cây Lá ngón còn được gọi với nhiều tên gọi khác như Câu vẫn, Đoạn trường thảo, … Cây sống phổ biến ở các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An.

Để phòng tránh ngộ độc do sử dụng nhầm cây lá ngón, chính quyền địa phương các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể cần tập trung tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin và dưới nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng các bộ phận của cây lá ngón.

Đồng thời hướng dẫn phân biệt cây Lá ngón với các loại cây khác, khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các bộ phận của cây Lá ngón hoặc các loại cây không rõ nguồn gốc để ngâm rượu uống hoặc dưới các hình thức khác.

P.V