Việt Nam – Australia: Những điều chưa từng có trong lịch sử
“Có thể nói, cả ba bên Việt Nam – Australia và ASEAN chia sẻ ngày càng nhiều quan điểm tương đồng, lợi ích thì song trùng và đường lối chính sách ngày càng hợp nhau” – tiến sĩ Trần Việt Thái.
LTS: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc thành công chuyến thăm Australia và dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia. Nhìn lại chuyến thăm, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.
Theo ông Trần Việt Thái, chuyến thăm lần này của Thủ tướng có nhiều điều mới, cả trên kênh song phương lẫn đa phương. Thứ nhất là Hội nghị cấp cao đặc biệc ASEAN – Australia, đây là sự kiện chưa từng có, là lần đầu tiên Australia tổ chức. Còn trong kênh song phương là việc nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược. Cần nhìn quan hệ Việt Nam – Australia cũng như quan hệ đa phương ASEAN – Australia trong một tổng thể lớn, dài hạn.
Đối với Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia, có thể nói điểm quan trọng nhất thể hiện trong tuyên bố chung là đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, hợp tác thực chất. Xưa nay đây vẫn là quan hệ mang tính đối thoại nhiều hơn, hợp tác mới dừng lại chủ yếu là Australia giúp theo một chiều.
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia là một dấu mốc quan trọng |
Australia thấy rõ vị thế của Việt Nam, ASEAN
Theo ông điều gì đã thúc đẩy Australia chủ động nâng cấp quan hệ vào thời điểm này?
Đầu tiên phải nói hiện nay cục diện châu Á – Thái Bình Dương đang thay đổi rất nhiều. Trong đó ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, nhiều tiềm năng, năng động đang nổi lên thành trung tâm mới của khu vực. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, với những chính sách đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế rất thuận lợi.
Nhưng không chỉ vậy, mà quan trọng là ASEAN và Việt Nam đều đang là trọng điểm để các nước lớn hướng tới đặt quan hệ. Gần đây nhất Hàn Quốc vừa mới khởi động chính sách hướng Nam mới, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sắp có chuyến thăm Việt Nam. Khái niệm địa chính trị “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã lần đầu tiên được đưa vào Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tích cực thúc đẩy trong những năm gần đây.
Có thể nói việc Australia chủ động nâng cấp quan hệ là do nhìn thấy tiềm năng, sự chuyển động vị thế, vai trò của các nước ASEAN.
Trước đây họ nhìn vào Trung Quốc rất nhiều – một thị trường lớn với tiềm năng vô cùng to lớn. Đến giờ vẫn vậy, nhưng những năm gần đây, rất nhiều chính phủ của phương Tây nói chung, Australia nói riêng, ngày càng thất vọng với các chủ trương, chính sách của nước này. Các điều kiện làm ăn kinh doanh của Trung Quốc đối với nước ngoài ngày càng bị xiết lại, làm ăn khó hơn. Và môi trường chính trị cũng ngày càng có nhiều biến đổi, thay đổi không thuận cho làm ăn kinh doanh, đặc biệt các quy định, ví dụ về vấn đề internet, thuế…
Trong khi đó Việt Nam cũng như ASEAN ngày càng mở cửa hội nhập. Một số doanh nghiệp Australia đã chia sẻ với tôi là đã đến lúc phải nhìn ra ngoài Trung Quốc.
Theo ông, đâu là trọng tâm của việc nâng cấp quan hệ này?
Trong bản tuyên bố chung có rất nhiều nội dung, nhưng tựu chung lại có 3 mảng then chốt.
Thứ nhất là chia sẻ tầm nhìn về những lợi ích, giá trị chung. Hiện nay Australia và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích song trùng, đan xen. Lập trường quan điểm ngày càng sát nhau, ví dụ Việt Nam, ASEAN đều mong muốn khu vực này là khu vực mở cửa, hòa bình dựa trên hợp tác quốc tế, Australia cũng muốn vậy. Có thể nói, cả ba bên Việt Nam – Australia và ASEAN chia sẻ ngày càng nhiều quan điểm tương đồng, lợi ích thì song trùng và đường lối chính sách ngày càng hợp nhau.
Thứ 2 là tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao tin cậy hơn. Trong nâng cấp quan hệ thì việc đầu tiên là giao lưu cấp cao sẽ thường xuyên hơn. Bên cạnh đó là các cơ chế, ví dụ tham vấn lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết về chính sách lẫn nhau sẽ tăng lên, đối thoại, tham vấn, giao lưu ở các cấp sẽ tăng lên. Từ đó, các khuôn khổ sẽ mở ra để cho các cơ chế, chẳng hạn các địa phương, hợp tác nhịp nhàng, thuận lợi hơn.
Thứ 3 là quan hệ kinh tế thương mại, hai bên cam kết sẽ tạo thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - thương mại – đầu tư – du lịch. Chúng ta kỳ vọng sẽ có một làn sóng doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam. Australia có lợi thế đặc biệt về nông nghiệp (như bò sữa, công nghệ chế biến sữa), khai khoáng (các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như quặng sắt, than… mà Việt Nam đang cần).
Một điểm quan trọng ở đây là, Australia là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Trong quy định của CPTPP, khi các nước thành viên quan hệ kinh tế thương mại với nhau có quy định về xuất xứ. Thúc đẩy việc mua, trao đổi kinh tế thương mại với Australia sẽ thuận lợi hơn là mua của các nước bên ngoài, bởi được tính là xuất xứ từ trong nội khối. Khi đó thuế sẽ được ưu đãi, tùy theo từng ngành, nhưng sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất theo quy định chung.
Với việc nâng cấp quan hệ này, với những quy định trong song phương cũng như trong ASEAN, và trong CPTPP tới đây chúng ta kỳ vọng điều gì?
Thứ nhất là làn sóng dịch chuyển quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, thậm chí cả du lịch, theo hướng tăng cường song phương và có lợi cho cả hai bên. Tất nhiên nâng cấp quan hệ, ký là một chuyện, đến lúc triển khai còn có quá trình.
Điểm tiếp theo rất quan trọng là giao lưu nhân dân. Khuôn khổ đối tác chiến lược không chỉ bao gồm nhà nước với nhà nước. Tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN đã lấy người dân làm trung tâm, quan hệ Việt Nam – Australia tương lai cũng vậy. Hiện nay trong xu hướng Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập, người Việt đi ra ngoài ngày càng nhiều, chúng ta cũng đón nhận làn sóng vào đầu tư, du lịch, thăm thân ngày càng nhiều. Giao lưu nhân dân Việt Nam – Australia chắc chắn sẽ được tăng cường.
Đầu tiên là giáo dục. Australia là một trong những thị trường giáo dục lớn của Việt Nam. Tới đây khi Australia nới lỏng và cung cấp thêm các chương trình học bổng cho các nước ASEAN thì chắc chắn cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học đào tạo cũng tăng. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý hướng mạnh vào các ngành đào tạo kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ, những ngành mới mà Australia có thế mạnh, chẳng hạn dược sinh học, công nghệ nông nghiệp, v.v…
Du lịch cũng được tăng cường, cộng hưởng với việc Australia thuộc danh sách bổ sung các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử theo Nghị quyết 124 của Chính phủ Việt Nam.
Tiếp theo là các cơ chế để các địa phương thúc đẩy hợp tác, vì mỗi địa phương có một thế mạnh, chẳng hạn vùng phía Đông của Australia có thế mạnh về khai thác, chế biển thủy hải sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã ký Tuyên bố chung về thiếp lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Australia. Ảnh: Phạm Tuấn |
Khuôn khổ có, lòng tin sẽ tăng lên
Ông có thể phân tích một chút về điểm nhấn hợp tác quốc phòng trong quan hệ đối tác chiến lược tới đây của hai nước?
Hợp tác quốc phòng an ninh Việt Nam – Australia hiện nay là một cấu phần quan trọng và sẽ có bước tiến. Trước hết là việc tăng cường đào tạo. Australia đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo tiếng Anh, bắt đầu có hợp tác đào tạo dài hạn, sĩ quan chỉ huy, nhưng trọng tâm phải kể đến là an ninh biển và gìn giữ hòa bình. Australia có nhiều thế mạnh, song thực tế hợp tác Việt Nam – Australia chưa nhiều do hai hệ thống chính trị khác nhau, kể cả bộ máy quân sự Australia vận hành cũng khác, vũ khí, tư duy chiến lược cũng khác…
“Quan hệ chiến lược” sẽ là khuôn khổ để các lực lượng vũ trang hai nước sát lại gần nhau và như vậy sẽ có lợi hơn, tiến tới mở rộng ra các lĩnh vực như giao lưu hải quân, tình báo, không quân. Khuôn khổ có, lòng tin sẽ tăng. Tất nhiên, chúng ta cũng sẽ phải điều chỉnh trong hợp tác với Australia nói riêng, các nước khác nói chung. Chúng ta đang hội nhập, nhiều cái phải thích nghi dần, không thể làm ngay, không thể vội được.
Một khía cạnh được rất nhiều người quan tâm là vai trò của Australia như thế nào giữa ASEAN và Trung Quốc?
Trung Quốc là một nhân tố để Australia xích lại gần hơn với ASEAN, việc Trung Quốc trỗi dậy có nguy cơ tác động đến khu vực, thay đổi trật tự khu vực có làm Australia lo ngại, nhưng không phải là tất cả. Australia lo ngại nhất không phải là Trung Quốc mà là sự “chập chờn” trong chính sách của ông Donald Trump. Điều này liên quan đến đồng minh sống còn, cốt lõi lợi ích của Australia.
Cần khẳng định Australia thúc đẩy quan hệ với ASEAN không phải để chống Trung Quốc. Mà nếu Australia bộc lộ điều đó ASEAN sẽ giãn ra ngay. ASEAN cần Australia vì cần một khu vực mở, và không muốn để bất cứ quốc gia nào chi phối vào khu vực, ASEAN cần một sự cân bằng mở và dựa trên luật pháp, chuẩn mực quốc tế. Australia là một nhân tố có thể giúp ASEAN trong việc đó.
Còn Australia đến với ASEAN là do những lợi ích nhìn thấy như tôi đã phân tích ở trên. Thị trường của ASEAN lớn lắm, lại đang liên kết hội nhập, 20 năm nữa thành thứ 4 thế giới.
Tóm lại, ở đây có mấy nhân tố. Thứ nhất là bản thân nội tại ASEAN có sức hấp dẫn. Thứ 2 là tình hình thay đổi nhanh quá, chính Mỹ làm cho Australia lo. Còn Trung Quốc chỉ là nhân tố đóng vai trò thứ 3, thứ 4 thôi.
Đứng trước bối cảnh đó, thông điệp của chúng ta là gì? Đó là “đi hai chân”, qua kênh đa phương ASEAN và qua kênh song phương. Mục đích của Việt Nam là cùng với các nước xây dựng một khu vực Đông Nam Á mở, hòa bình, ổn định, phát triển dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Australia hoàn toàn chia sẻ điều đó dù là song phương hay đa phương, điều này phù hợp với lợi ích quốc gia và chiến lược đối ngoại, an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.