Tìm đất, lập bản cho đồng bào hồi cư
(Baonghean) - Ngược huyện núi Quế Phong dịp này, được biết một khoảng thời gian không xa nữa sẽ có khoảng 80 hộ gia đình đồng bào Mông di cư trái phép sang Lào từ năm 2013 sẽ hồi cư...
Những băn khoăn
Việc đồng bào Mông di cư trái phép sang Lào, sau đó hồi cư là một câu chuyện không hề mới. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 1986 đến năm 2013, riêng tại huyện Quế Phong có 195 hộ với 1.546 nhân khẩu là đồng bào Mông di cư trái phép sang Lào. Và năm 2009 - 2010, nhà nước ta đã vận động được 115 hộ với 946 nhân khẩu hồi cư.
Phóng viên Báo Nghệ An và đại diện các bên liên quan tại khu vực tái định cư cho đồng bào Mông trở về. Ảnh: Nhật Lân |
Giai đoạn đó, với phương châm người dân di cư tự do ra đi ở bản nào thì nay trở về bản đó, khi các hộ gia đình đồng bào Mông trở về đã được sắp xếp định cư tại 8 bản cũ thuộc xã Tri Lễ. Để giúp đồng bào hồi cư yên tâm định cư tại các xóm bản cũ, nhà nước đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ như cấp phát gạo, chăn, chiếu, hỗ trợ đất ở, vay vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, ông Thò Bá Xô, có được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp các ngành, cho đến nay, cuộc sống của những hộ gia đình đồng bào Mông hồi cư đã cơ bản đảm bảo ổn định.
Ông Thò Bá Xô cũng cho hay, trước đây ở Tri Lễ có 8 bản của đồng bào Mông, nay tăng thành 10 bản. Tuy nhiên, quỹ đất ở và đất sản xuất đã hết. Bởi vậy, cùng một thời điểm đón khoảng 80 hộ đồng bào hồi cư trở về rất khó để đảm bảo ổn định cuộc sống cho họ. Bởi trước khi di dân trái phép, các đồng bào Mông đã bán đất ở, bán đất sản xuất nên khi trở về hoàn toàn trắng tay.
Nếu không có các giải pháp xử lý phù hợp, đồng bào Mông hồi cư sẽ gặp những khó khăn trong cuộc sống. Sẽ dẫn đến tình trạng xâm canh xâm cư trái phép, đốt rừng phát rẫy để trồng trọt, chăn nuôi…; hoặc tái diễn việc di cư trái phép.
Điều ông Thò Bá Xô nêu ra là một thực tế. Vài năm vừa qua, đã diễn ra tình trạng đồng bào người Mông ở Tri Lễ xâm canh xâm cư phát nương, làm rẫy sang đất xã cận kề Nậm Giải, và trên diện tích rừng đặc dụng thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Một vụ việc có tính điển hình cho những hành vi xâm canh, phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt của một số đồng bào Mông ở xã Tri Lễ là vào tháng 4/2016. Qua kiểm tra, tổng số diện tích đã bị xâm canh rất lớn, lên đến 325,8 ha. Trong đó có 125,3 ha đất rừng đặc dụng, 200,5 ha đất rừng phòng hộ. Trên vùng đất xâm canh, xâm cư làm nương rẫy, có những hộ đồng bào Mông còn đưa cả gia đình đến lập chòi, lán, dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn.
Khu vực được quy hoạch để xây dựng vùng tái định cư. Ảnh: Phương Thảo |
Trước sự việc này, các lực lượng chức năng và các đoàn kiểm tra đã đến tận nơi tuyên truyền, dỡ bỏ lán trại, yêu cầu ký cam kết không tái diễn việc xâm canh, xâm cư… Vụ việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và an ninh trật tự vùng biên giới phía tây Nghệ An.
Tìm đất, lập bản
Với kinh nghiệm tích lũy từ đợt đón đồng bào Mông hồi cư thời kỳ 2009 – 2010, các ban ngành chức năng của huyện Quế Phong đã thận trọng tính toán, lựa chọn hướng đi tốt nhất nhằm không để tái diễn tình trạng bất cập đã diễn ra trong thời gian qua; trong đó xác định giải pháp mang tính bền vững nhất là phải xây dựng nơi ở mới, có quỹ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào ổn định cuộc sống.
Tháng 9/2017, nhân đợt đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc có chuyến khảo sát tại Quế Phong và làm việc với tỉnh, huyện Quế Phong đã kiến nghị giải pháp này. Nhận thấy đây là giải pháp phù hợp, tại Thông báo số 75/TB-UBDT ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đã có ý kiến “Thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Nghệ An thí điểm thực hiện Quyết định 162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án “sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước” tại một điểm của huyện Quế Phong”.
Với ý kiến này của Bộ trưởng, huyện Quế Phong sẽ được khảo sát, lựa chọn một vùng đất phù hợp, trình cấp thẩm quyền cho phép xây dựng khu vực tái định cư, theo hình thức bố trí dân cư tập trung, đảm bảo cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông hồi cư.
Đã có rất nhiều chuyến UBND huyện Quế Phong cùng các cơ quan liên quan phối hợp khảo sát thực tế để lựa chọn vùng đất phù hợp để tái định cư cho đồng bào Mông. Và kết lại, đã xác định khu vực có thể thực hiện dự án là vùng đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng sản xuất thuộc khoảnh 15, tiểu khu 108 (thửa số 94, 86 tờ bản đồ giao đất lâm nghiệp số 06 xã Tri Lễ, theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015).
Gần khu vực quy hoạch khu tái định cư, bà con dựng chòi chăn thả gia súc. Ảnh: Nhật Lân |
Khu vực này rộng khoảng 80ha, hiện nằm trong diện tích quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng của Công ty cổ phần đầu tư tài chính và Bất động sàn Việt đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 nhưng chưa được giao đất, thuê đất theo quy định của Luật đất đai.
Ngày 16/3/2018, cùng với đại diện Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong và anh Thò Bá Xô – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, phóng viên Báo Nghệ An đã đến khu vực sẽ tái định cư đồng bào Mông hồi cư.
Theo quan sát, khu vực này thuộc địa giới xã Tri Lễ nhưng tiếp giáp với xã Châu Thôn với độ cao 1300m. Dù là vùng núi cao nhưng có nhiều điểm khá bằng phẳng, phù hợp cho việc quy hoạch khu dân cư; hơn nữa, đây là vùng đất trống đồi trọc phù hợp cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, ông Thò Bá Xô, với đặc điểm có giao thông thuận lợi, nằm cách đường thủy điện Sơn Vũ hiện tại đang thi công khoảng 2 km, cách đường quốc lộ 16 khoảng 8 km; bên cạnh đó, vùng đất này có khe suối, gần với bản Mông Mường Lống nên sẽ là vùng đất thích hợp với tập quán sinh sống và sản xuất của bà con đồng bào dân tộc Mông.
Ông Thò Bá Xô nói: “Chúng tôi rất mừng khi huyện và các cơ quan chức năng tìm được vùng đất này để ổn định giúp cho bà con hồi cư…”.
Theo dự kiến của UBND huyện Quế Phong, dự án định cư tập trung thí điểm tại khu vực đã lựa chọn sẽ phục vụ cho 74 hộ, 557 nhân khẩu. Tổng nhu cầu sử dụng đất để bố trí dân cư khoảng 80 ha. Trong đó đất ở là 7 ha, đất vườn 12 ha, đất sản xuất và đất rừng là 61 ha, còn lại là đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, đất cộng đồng với tổng mức đầu tư là 58 tỷ 436 triệu đồng.
Ngày 26/1/2018, UBND huyện Quế Phong đã có tờ trình về việc xin chủ trương đầu tư xây dựng dự án thí điểm “sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước CHDCND Lào trở về nước” tại huyện Quế Phong gửi UBND tỉnh.
Theo ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, để thực hiện các nội dung đã đề ra, cần phải chờ quyết định của cấp thẩm quyền. Nhưng bởi số lượng đồng bào Mông trở về nước trong thời gian tới lớn, vì vậy cần phải chuẩn bị chu đáo để đảm bảo cho họ được ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Qua đó, không để phát sinh các vấn đề phức tạp dẫn đến việc đồng bào lại tái di cư tự do, hoặc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị vùng biên giới.