Bài 2: Tận tâm, tận lực, tạo sức bật mới
(Baonghean.vn) - Có dịp đến địa bàn biên giới phía Tây Nghệ An, nơi các cán bộ biên phòng được tăng cường về giữ chức danh Phó bí thư Đảng ủy xã, mới hiểu rõ những đóng góp thầm lặng và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân dành cho những người con của bản làng. Điều này cũng khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của một chủ trương.
(Baonghean) - Những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An đã phối hợp với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt chủ trương đưa đảng viên biên phòng về tăng cường cho cơ sở. Qua đó, đã góp phần tạo sự chuyển biến trong sửa đổi lề lối làm việc, phát triển đảng viên, ngăn ngừa nguy cơ tái trắng chi bộ, củng cố quốc phòng - an ninh ở các địa bàn khó khăn…Tăng cường đảng viên biên phòng về cơ sở: Bổ sung 'chất thép' cho chi bộ thôn bản
Sửa đổi lề lối làm việc, tạo nguồn cán bộ
Từ những điều “mắt thấy, tai nghe” thì cái được lớn nhất mà các sỹ quan biên phòng tăng cường mang lại cho cơ sở là góp phần bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ xã, duy trì nề nếp làm việc, xóa lối làm việc "5 không" (không nghị quyết lãnh đạo, không kế hoạch công tác, không quy chế, chương trình làm việc, không lịch trực, không sinh hoạt thường kỳ) ở một số địa phương trước đây.
Mỹ Lý là xã có diện tích rộng, đường biên giới dài 43,5km với 1.129 hộ, 5.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú, sinh sống tại 12 bản. Trong đó, các bản xa nhất là Phá Chiếng, Chà Nga cách trung tâm xã khoảng 20 cây số. Tháng 1/2015, Thiếu tá Võ Văn Quỳnh được tăng cường về giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý. Nhận thấy thực trạng hoạt động của chính quyền địa phương còn một số hạn chế như: Tác phong làm việc nặng tính anh em, dòng họ; việc chấp hành các nội quy, quy chế chưa nghiêm; hệ thống lưu giữ văn bản lạc hậu, triển khai các công văn giấy tờ chậm..., đồng chí Quỳnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra nhiều giải pháp nhằm sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, như xây dựng quy chế hoạt động, lịch làm việc của Đảng ủy, UBND, kế hoạch hoạt động của các tổ chức đoàn thể, phân rõ việc, rõ người tránh ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ phận... Nhờ vậy, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc chấp hành giờ giấc làm việc, cung cách phục vụ nhân dân.
Bộ đội Biên phòng Đồn Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn trò chuyện cùng cán bộ xã. Ảnh: H.T |
Còn đối với Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến, năm 2012, khi được cử về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang (Tương Dương), địa bàn có 1.827 hộ, 7.479 khẩu gồm 5 dân tộc (Kinh, Thái, Khơ mú, Tày Poọng, Hoa) cùng cư trú, anh đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã khắc phục điểm yếu về công nghệ thông tin, kỹ năng soạn thảo văn bản. Nhờ đó, hiện nay 100% cán bộ đã sử dụng thành thạo máy vi tính. Tam Quang cũng là một trong số ít đơn vị cấp xã xây dựng giáo trình điện tử, sử dụng máy chiếu trong quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông Lô Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang chia sẻ: Sự thay đổi tích cực trong lề lối làm việc, giờ giấc hành chính của xã là nhờ có cán bộ bộ đội biên phòng về tăng cường hỗ trợ, tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, phân công cán bộ bám nắm cơ sở. Theo đó, mỗi ủy viên BTV phải chỉ đạo, bám 2 -3 chi bộ bản, bản thân đồng chí biên phòng tăng cường gương mẫu chọn 3 bản khó khăn nhất. Nhờ vậy đến nay, xã Tam Quang đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới và đang phấn đấu về đích năm 2017, Đảng bộ xã 6 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Bản thân Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồ Xuân Tuyến được tín nhiệm bầu giữ kiêm nhiệm nhiều chức vụ ở địa phương như: Phó Ban Tuyên giáo, Phó ban Xây dựng cơ sở ATLCSSCĐ, Trưởng ban Pháp chế HĐND xã...
Tại xã tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương), Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Danh Hiếu cũng thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của cán bộ tăng cường trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên. “Bên cạnh việc tạo nguồn từ lực lượng thanh niên nông thôn và các chi hội đoàn thể, nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng, bổ sung cho các chi hội đoàn thể thôn xóm và bố trí vào các vị trí trong hệ thống chính trị cấp xã như chị Vi Thị Hương, tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An hiện làm việc ở văn phòng Đảng ủy xã; chị Lê Thị Thuận, tốt nghiệp Đại học Luật là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; chị Vi Thị Hoài, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An, là Thường vụ Hội Phụ nữ xã...” - đồng chí Hiếu chia sẻ.
Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (đơn vị được chọn thí điểm mô hình đưa đảng viên biên phòng về làm Bí thư Đảng ủy xã) cho biết: Vai trò nổi bật của BĐBP tăng cường là đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể các cấp xây dựng, bổ sung quy chế làm việc và duy trì thực hiện khá nghiêm túc. Lề lối, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ từng bước đi vào nề nếp, khắc phục được tình trạng làm việc tùy tiện trước đây. Công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện đầy đủ, chất lượng và kịp thời hơn. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ phù hợp, kịp thời bổ sung các chức danh khuyết, mạnh dạn bố trí những cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ vào các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị và cử đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương.
Cán bộ Đồn biên phòng Mỹ Lý hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi. Ảnh: H.T |
Tạo sự đoàn kết, ổn định ở cơ sở
Cán bộ biên phòng tăng cường cơ sở còn là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với cấp ủy đồn biên phòng và bà con các dân tộc trên địa bàn. Thiếu tá Trần Đình Hoàng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ (Kỳ Sơn) là một ví dụ. Tiếp nhận nhiệm vụ mới, nhận thấy trong nội bộ đội ngũ cán bộ xã có một số vấn đề cần phải chấn chỉnh, tác phong lề lối làm việc biểu hiện trì trệ, kém hiệu quả, việc đầu tiên mà Thiếu tá Hoàng triển khai là tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã các biện pháp xây dựng, củng cố mối đoàn kết trong nội bộ cấp ủy, chính quyền, từng bước cải cách quy chế làm việc, tạo sự chuyển biến trong cả nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách cấp xã. Thiếu tá Hoàng chia sẻ: “Trong mọi trường hợp, mình phải đóng vai trò là “người đứng giữa” làm cầu nối tạo sự đoàn kết trong nội bộ. Muốn làm được điều này thì phải tạo được lòng tin thông qua sự công tâm, khách quan, “nói đi đôi với làm”...
Nhận xét về cán bộ biên phòng tăng cường, Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ Moong Phò Túc cho hay: Địa bàn xã có 9 bản chia làm 3 cụm, mật độ dân số thưa thớt, đường đi khó khăn. Ví như để đi đến được cụm bản Chà Lạt, Huồi Khói, Huồi Phe phải đi bộ 3 giờ đồng hồ. Một số bản khác như bản Phà Nọi cách trung tâm xã 32km đường núi, cách Đồn Biên phòng Mường Típ 20km... Tuy nhiên, với tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, cán bộ Hoàng đã kịp thời tham mưu giúp địa phương giải quyết có lý có tình những vướng mắc, góp phần ổn định địa bàn, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất. Như sự việc anh Lầu Bá Tếnh, sinh năm 1982 (bản Chà Lạt) bị những đối tượng xấu lợi dụng việc chữa bệnh để dụ dỗ theo đạo Tin lành, dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên theo phong tục người Mông, thiếu tá Hoàng đã cùng với cán bộ xã phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Típ kiên trì tuyên truyền, vận động. Sau 1 tuần, anh Tếnh đã từ bỏ ý định theo đạo Tin lành, lập lại bàn thờ người Mông.
Tương tự, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) nơi có 3 dân tộc cùng sinh sống là Mông, Khơ mú, Thái, với đặc điểm, phong tục, tập quán khác nhau chịu ảnh hưởng của tư tưởng cục bộ, anh em, dòng họ. Khi được cử về làm phó bí thư xã, thiếu tá Trần Hữu Phi đã dành thời gian tìm hiểu, tìm giải pháp xây dựng khối đoàn kết nội bộ với phương châm “người biết nhiều bày cho người biết ít, người biết ít bày cho người chưa biết”, “nói thẳng, nói thật” trong hội nghị, tạo không khí đoàn kết, đổi mới, dân chủ trong 2 nhiệm kỳ qua. Nhờ vậy, nhiều vấn đề nổi cộm trên địa bàn đã được giải quyết như: tranh chấp đất đai giữa bản Huồi Pốc (Nậm Cắn) và Huồi Ngoi (Na Loi); ngăn chặn hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép; phát triển 2 đảng viên xóa nguy cơ tái trắng Chi bộ bản Khánh Thành.
Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Xác định một trong những “lực cản” trong xóa đói, giảm nghèo ở khu vực miền Tây chính là tư duy trông chờ ỷ lại của cán bộ, đảng viên và bà con dân tộc thiểu số, các sỹ quan biên phòng tăng cường đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả các chương trình 135, 167, 30A của Chính phủ và các đề án phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế ở từng địa bàn. Trong đó, chú trọng khai hoang và thâm canh ruộng lúa nước, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc sản ở các địa phương để trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập cho đồng bào. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời đã trực tiếp vận động “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con thực hiện, không trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước. Nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, như: Trồng cỏ voi, nuôi trâu, bò ở các xã Na Ngoi, Nậm Cắn (Kỳ Sơn); trồng cây trầm gió ở xã Tam Hợp (Tương Dương); chăn nuôi bò nhốt ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), mô hình trồng chanh leo ở xã Tri Lễ (Quế Phong); bí xanh và dưa hấu ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn); nuôi gà đen ở xã Tam Hợp (Tương Dương); trồng gừng và trồng khoai sọ ở xã Na Ngoi, Mường Típ (Kỳ Sơn); mô hình nuôi bò, lợn ở xã Châu Khê (Con Cuông), mô hình giúp dân khai hoang ruộng nước chuyển đổi từ 01 vụ lúa/năm lên 02 vụ lúa/ năm ở các xã Tam Hợp, Môn Sơn, Tri Lễ... làm thay đổi hẳn đời sống người dân trên địa bàn.
Song song với phát triển kinh tế, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, xây dựng điểm sáng văn hóa vùng cao được khơi dậy mạnh mẽ. Hiện nay, có khoảng 80% dân số khu vực biên giới được xem truyền hình, 100% số xã biên giới có điện thoại cố định, 27/27 xã được phủ sóng mạng điện thoại di động,100% xã có điểm văn hóa xã, 90% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân biên giới.
Bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với đoàn thanh niên xã Nậm Cắn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh:H.T |
Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Xuất phát từ thực trạng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các xã vùng sâu thuộc địa bàn miền núi còn bất cập và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới. Ngay từ cuối năm 2002, trên cơ sở tham mưu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Tỉnh ủy Nghệ An nhất trí chủ trương và ban hành Quyết định số 23-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ BĐBP tăng cường xã biên giới, phụ trách xây dựng cơ sở chính trị và công tác quốc phòng, an ninh. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Huyện ủy Kỳ Sơn tiến hành làm điểm, chuyển 11 cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó bí thư của 11 xã biên giới trên địa bàn. Sau 1 năm thực hiện, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, mô hình tiếp tục được triển khai ở các xã biên giới của các huyện Tương Dương, Quế Phong và địa bàn 2 xã tái định cư thủy điện Bản Vẽ của huyện Thanh Chương.
Gần 15 năm qua, các sỹ quan biên phòng tăng cường luôn tận tâm, tận lực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững miền biên cương của Tổ quốc. Hiện nay, có 25 đồng chí đang được bố trí tăng cường cho 24 xã biên giới đất liền, trong đó 1 đồng chí giữ chức Bí thư Đảng ủy, 24 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới...
Nghệ An có đường biên giới đất liền dài 419 km, tiếp giáp với 3 tỉnh (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly khăm xay) nước bạn Lào, gồm 27 xã, thuộc 6 huyện biên giới, dân số khoảng 12 vạn người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
(Còn nữa)