Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ

Thái Bình 24/03/2018 07:05

(Baonghean.vn) - Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất thực hiện chương trình về phát triển bền vững; Chiến lược phát triển ngành cơ khí tầm nhìn đến năm 2035;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa quy định nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

Theo Nghị định trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như: hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.

Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn miễn phí v.v...

2. Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất thực hiện chương trình về phát triển bền vững

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã ban hành, trong đó khắc phục tình trạng không đồng đều trong tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương và ngay trong từng cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng phối hợp, lồng ghép đồng bộ hơn việc thực hiện Nghị quyết với các chương trình liên quan như cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; phấn đấu cải thiện toàn diện các chỉ số, mức chỉ số trung bình tối thiểu đạt 80, không để chỉ số nào sau mức 100.

3. Chiến lược phát triển ngành cơ khí tầm nhìn đến năm 2035

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Cụ thể, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Sau năm 2025, hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực trong lĩnh vực chế tạo như ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện; hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo.

4. Chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các chương trình MTQG

Chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các chương trình MTQG
Chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các chương trình MTQG

Cả nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm "chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả".

Các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu năm 2018 có ít nhất 54 huyện và 39% xã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã tăng thêm ít nhất 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017, số xã đạt dưới 5 tiêu chí là dưới 60 xã, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) giảm 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Để đạt được mục tiêu và với phương châm nêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ liên quan sát sao việc ban hành danh sách huyện nghèo và huyện thoát nghèo, quy định về đầu tư công.

5. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán phạt đến 100 triệu đồng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, với lĩnh vực kế toán, về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán; áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán; áp dụng sai quy định về kỳ kế toán; áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.

6. Trong tháng 3 hoàn thiện nghị định về lựa chọn nhà đầu tư

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư đã được các Thành viên Chính phủ cho ý kiến; đa số ý kiến tán thành với phương án đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định của Chính phủ cần bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của luật, vì vậy một số nội dung cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp như: việc chỉ định nhà đầu tư; thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Để bảo đảm chất lượng của Nghị định, tháo gỡ vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về các nội dung còn ý kiến khác nhau, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.

7. Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương nghiên cứu Luật quy hoạch năm 2017 để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản số 148/TTg-KTN ngày 27/1/2014; số 5197/VPCP-CN ngày 22/5/2017 về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn.

Đồng thời ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng (xe bus, xe du lịch, taxi) trong tổ chức giao thông đô thị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng từng bước giảm tiện giao thông cá nhân.

Tổ chức kết nối hợp lý các ga đường sắt đô thị với các tuyến xe bus; nghiên cứu phương án sử dụng xe điện để kết nối các khu dân cư dọc tuyến đường sắt đô thị và xe bus nhanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông sử dụng hai loại phương tiện nêu trên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe bus; tập trung cải thiện hệ thống hạ tầng trung chuyển, đón trả khách, áp dụng hệ thống vé thông minh, tiện lợi cho người sử dụng; nâng cao chất lượng phương tiện, chú trọng phát triển xe bus sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

8. Giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo tôn trọng nhân phẩm, danh dự. Ảnh minh họa - nguồn TTXVN
Giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo tôn trọng nhân phẩm, danh dự. Ảnh minh họa - nguồn TTXVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.


Theo Nghị định, việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc sau: 1- Bảo đảm mục tiêu phục hồi cho người được giám sát, giáo dục; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người được giám sát, giáo dục; phòng ngừa tái phạm; 2- Tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; 3- Bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, nhu cầu cá nhân và vì lợi ích tốt nhất của người được giám sát, giáo dục; 4- Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục; 5- Bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

Thời hạn giám sát, giáo dục được tính từ ngày người được giám sát, giáo dục có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để nghe thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Thái Bình