Những vắcxin bà bầu nên chích trước và trong thai kỳ

Vnexpress.net 24/03/2018 11:13

Trước khi mang thai cần tiêm vắcxin sởi - quai bị - rubella, thủy đậu; trong thai kỳ chích ngừa cúm, ho gà.

Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của thai phụ thấp nên dễ nhiễm bệnh, gây hại cho cả mẹ và bé. Mẹ tiêm một số vắcxin trong thai kỳ sẽ có kháng thể truyền cho con, bảo vệ bé trong những tháng đầu đời.

Vắcxin cúm

Phụ nữ khi mang thai, cơ thể có nhiều thay đổi để thích nghi với việc mang trong mình một "sinh vật lạ". Bào thai được cơ thể mẹ xem như một tạng ghép nên có khuynh hướng thải ghép. Hệ miễn dịch của mẹ giảm đi để chấp nhận tạng ghép ấy trong cơ thể cho đến khi bé đủ ngày tháng ra đời.

Tim và phổi của bà bầu cũng thay đổi để thích nghi với việc nuôi bào thai. Do đó nếu mẹ bị một số bệnh nhiễm khuẩn nào đó như cúm hay thủy đậu sẽ có nguy cơ bị biến chứng, ảnh hưởng đến bào thai. Trong đại dịch cúm toàn cầu H1N1 năm 2009, đa số ca tử vong ở Việt Nam là thai phụ.

Vắcxin ngừa cúm có thể tiêm trước khi mang thai hay trong thai kỳ, tránh tai biến thai kỳ như sảy thai, sinh non hay con sinh nhẹ cân. Vắcxin cũng ngừa được cúm ở trẻ nhũ nhi, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời nhờ kháng thể mẹ tạo ra sau khi chích cúm được truyền cho trẻ qua nhau thai. Trẻ chào đời đến 6 tháng tuổi mới tiêm mũi vắcxin cúm đầu tiên.

Lưu ý, bà bầu không nên sử dụng vắcxin cúm dạng xịt mũi, bởi đây là vắcxin sống giảm độc lực, chống chỉ định cho phụ nữ trong thai kỳ.

Ảnh: Health USA.

Ảnh:Health USA.

Vắcxin ho gà

Vắcxin ho gà được khuyến cáo chích ngừa cho thai phụ. Nhiều nghiên cứu cho thấy mẹ chích ngừa ho gà, con sinh ra ít nguy cơ mắc bệnh hơn so với con của mẹ chưa tiêm vắcxin. Bệnh ho gà nguy hiểm nhất khi xảy ra ở trẻ sơ sinh hay nhũ nhi.

Vắcxin uốn ván, bạch hầu

Bộ Y tế Việt Nam hướng dẫn tiêm phòng uốn ván cho thai phụ. Trong khi đó thế giới khuyến cáo chích thêm mũi bạch hầu cho bà bầu.

Vắcxin sởi - quai bị - rubella, thủy đậu

Hiện các khuyến cáo đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai là nên chích vắcxin MMR (sởi - quai bị - rubella) và thủy đậu. Thời gian chờ đối với MMR là trước mang bầu ít nhất một tháng, thủy đậu trước ít nhất 3 tháng. Sau một tháng chích thủy đậu là có thể mang thai.

MMR và thủy đậu đều là vắcxin sống giảm độc lực nên khi tiêm vào cơ thể sẽ gây những triệu chứng nhẹ, đôi khi có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ mang thai sớm. Một số trường hợp không biết có bầu nên vẫn chích vắcxin này, bác sĩ cũng không khuyến cáo hủy thai kỳ. Đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy thai nhi sẽ chịu những tác động của các vắcxin này.

Phụ nữ bị nhiễm thủy đậu khi mang thai có 10% nguy cơ tiến triển viêm phổi, thai nhi có thể bị ảnh hưởng trong quá trình hình thành tay chân, bất thường thị giác và thần kinh, tạo các sẹo da. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhiễm thủy đậu nếu mẹ bị thủy đậu trong khoảng 4 ngày trước sinh đến 2 ngày sau sinh, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, thậm chí tử vong.

Vnexpress.net