Phương Tây cần Nga như “kẻ thù trực diện“

Thái Bình 29/03/2018 06:14

(Baonghean.vn) - Ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh để bàn cách “xử lý” ông Trump?; Quân đội Mỹ thành lập căn cứ mới, "độc chiếm" nguồn dầu mỏ ở Syria?; Phương Tây đang cần Nga như một "kẻ thù trực diện" để tránh cho EU khỏi tan rã?;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh để làm gì?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt tay Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt tay Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Chuyến thăm tới Trung Quốc cũng là chuyến công du đầu tiên của ông Kim kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011.Chuyến thăm của ông Kim diễn ra sau vài tuần ông Trump đồng ý gặp mặt để nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Do đó, việc ông Kim tới Trung Quốc có thể là để nhờ vả nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hỗ trợ khâu chuẩn bị.

Chia sẻ với Business Insider, ông Lowell Dittmer, nhà khoa học chính trị tại Đại học California Berkeley nhận định theo quan điểm của Triều Tiên, Trung Quốc có thể giúp Bình Nhưỡng có cái nhìn sâu rộng về chính quyền Mỹ.

“Ông Kim Jong-un muốn hai thứ. Thứ nhất, Trung Quốc giảm áp lực lệnh trừng phạt đang thi hành với Triều Tiên liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Thứ hai, Trung Quốc đưa ra lời khuyên về phương thức đối phó với ông Trump trong trường hợp Tổng thống Mỹ trở nên cứng rắn”, ông Dittner nói.

2. Quân đội Mỹ thành lập căn cứ mới, "độc chiếm" nguồn dầu mỏ ở Syria?

Mỹ sẽ tiếp tục đóng quân tại Syria trong một thời gian dài.
Mỹ sẽ tiếp tục đóng quân tại Syria trong một thời gian dài.

Theo hãng tin Sputnik, một đại diện cấp cao của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tiết lộ rằng Mỹ đã bắt đầu xây dựng một căn cứ lớn tại tỉnh Deir ez-Zor, một khu vực có trữ lượng dầu mỏ ở Syria.

Ông Mehdi Kobani, phát ngôn viên của SDF cho biết, căn cứ này được xây dựng gần mỏ dầu al-Omar ở Deir ez-Zor, mỏ dầu lớn nhất tại Syria vào thời điểm hiện tại.

“Mỹ đang xây dựng một căn cứ gần mỏ dầu al-Omar có trữ lượng lớn tại tỉnh Deir ez-Zor. Vì lý do an ninh, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về căn cứ này. Đã có các máy móc phục vụ cho hoạt động xây dựng được đưa đến, và SDF hiện đang đảm bảo an ninh cho khu vực này”, ông Kobani nói.

3. Phương Tây đang cần Nga như một "kẻ thù trực diện" để tránh cho EU khỏi tan rã?

Nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky
Nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky

Hôm 27/3, nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky nhận định: việc Mỹ, Canada và một số nước châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga cho thấy rằng phương Tây đang cần nước Nga như một kẻ thù chung, nhằm củng cố xã hội và duy trì EU khỏi bị tan rã.

Ông Zhirinovsky viết: "Liên minh châu Âu đang sụp đổ. Vậy thì làm sao nó có thể duy trì được nếu thiếu đi một mối đe dọa bên ngoài? Cần phải có yếu tố gây sợ hãi. Thế giới Hồi giáo đã không làm họ hoảng sợ, bởi vì có hàng triệu người tị nạn đến từ các nước Ả Rập và châu Phi đang sống ở châu Âu. Trung Quốc lại quá xa. Vậy là chỉ còn lại mỗi Nga".

Theo quan điểm của ông, Washington nhận được nhiều lợi ích nhất từ tình hình này.

4. Gần 160 quốc gia “chống lưng” Nga trước cáo buộc đầu độc cựu điệp viên Skripal

Giới chức Anh phong tỏa hiện trường nơi cựu điệp viên hai mang Skripal bị hạ độc.
Giới chức Anh phong tỏa hiện trường nơi cựu điệp viên hai mang Skripal bị hạ độc.

Chia sẻ với Sputnik, phát ngôn viên đại sứ quán Nga tại Anh nhấn mạnh, trong khi nhiều nước phương Tây đồng tình với Anh trước cáo buộc Nga dùng chất độc thần kinh để hạ độc ông Skripal, nhiều quốc gia lại khác lại không bị thuyết phục trước tuyên bố mang tính khiêu chiến của Thủ tướng Anh Theresa May.

“Ngay cả khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố bà hoàn toàn chắc chắn rằng Nga chịu trách nhiệm về vụ việc ở Salisbury, bà ấy nên cung cấp đầy đủ bằng chứng để chứng minh cáo buộc cho Nga, cộng đồng quốc tế và dư luận Anh. Đây chính là quan điểm của gần 160 quốc gia không nằm trong khối phương Tây. Rõ ràng không ai trong thế giới rộng lớn này có thể tin tưởng được lời của Anh”, phát ngôn viên đại sứ quán Nga tại Anh nói.

5. Myanmar có tổng thống mới

Tân Tổng thống Myanmar Win Myint và Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters
Tân Tổng thống Myanmar Win Myint và Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters

Quốc hội Myanmar ngày 28/3 đã bầu ông Win Myint trở thành tổng thống mới, 1 tuần sau khi người tiền nhiệm Htin Kyaw đột ngột từ chức vì lý do sức khỏe. Theo BBC, ông Win Myint, 66 tuổi, một đồng minh thân thiết của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, đã được nghị viện nước này bầu làm tổng thống mới.

Trước khi trở thành tổng thống, ông Win Myint từng là chủ tịch Hạ viện Myanmar từ năm 2012. Ông đã vượt qua 2 ứng viên Myint Swe và Henry Van Thio trở thành tân tổng thống.

Đầu tuần trước, ông Win Myint được bầu làm Phó Tổng thống sau khi ông Htin Kyaw từ chức. Khi đó, giới quan sát dự đoán ông Myint sẽ có nhiều cơ hội thay thế ông Kyaw. Ông Myint là thành viên tích cực thuộc đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo.

6. Cả nước Pháp xúc động tưởng niệm vị trung tá hi sinh cứu dân

Linh cữu của trung tá Arnaud Beltrame được đồng đội và sĩ quan trẻ đưa vào sân điện Invalides sáng 28/3. Ảnh: Reuters
Linh cữu của trung tá Arnaud Beltrame được đồng đội và sĩ quan trẻ đưa vào sân điện Invalides sáng 28/3. Ảnh: Reuters

Sáng 28/3, cả nước Pháp đã thực hiện lễ tang cấp quốc gia dành cho trung tá Arnaud Beltrame - người đã chấp nhận làm con tin thay cho một phụ nữ và hi sinh sau đó.

    Paris mưa suốt nhưng rất đông người dân đã có mặt để chứng kiến tang lễ cấp quốc gia dành cho vị trung tá anh hùng 44 tuổi. Linh cữu của ông được đưa xuất phát từ điện Panthéon - nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp.

    Từ điện Panthéon lúc 10h sáng 28-3 (tức 15h, giờ VN) linh cữu của người hùng của nước Pháp được đưa đến sân điện Invalides - nơi an nghỉ của hoàng đế Napoléon Bonaparte cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Vauban, Turenne, Napoléon II.

    Lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức lúc 11h30 (16h30, giờ VN) do Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì trước sự hiện diện của nhiều lãnh đạo chính trị và quân đội Pháp.

    7. NATO trục xuất 1/3 nhà ngoại giao Nga, không hủy họp Hội đồng Nga - NATO

    NATO trục xuất 1/3 nhà ngoại giao Nga, không hủy họp Hội đồng Nga - NATO
    NATO trục xuất 1/3 nhà ngoại giao Nga, không hủy họp Hội đồng Nga - NATO

    Ria Novosti đưa tin, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, liên minh này đã trục xuất 7 nhà ngoại giao của Nga ở NATO liên quan tới vụ tấn công bằng chất độc thần kinh một cựu điệp viên Nga tại Anh hôm 4/3.

    Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Stoltenberg khẳng định, NATO cắt giảm tối đa quy mô phái bộ Ngoại giao Nga tại NATO từ 30 người xuống còn 20 người, đồng thời nhấn mạnh: "Điều này gửi một thông điệp rất rõ ràng tới Nga rằng Moscow phải trả giá".

    Ông Stoltenberg cho biết: "Các cuộc đàm phán cấp tốc đã được tổ chức giữa các nước EU và NATO, dẫn đến việc trục xuất hơn 140 đại diện ngoại giao của Nga từ hơn 25 đồng minh và các đối tác của NATO, đó là một phản ứng toàn cầu, kiên quyết và phối hợp".

    Thái Bình