Nét đẹp trò chơi dân gian hội xuân
(Baonghean.vn) - Những trò chơi dân gian như ném pao, vật cù, chọi gà vừa là thú vui ngày hội vừa là nét văn hóa mang nhiều giá trị tinh thần từ ngàn xưa của dân Việt. Những trò chơi này vẫn được tổ chức hàng năm tại nhiều địa phương trên tỉnh Nghệ An.
Ném pao
Ném pao nhìn qua tưởng chừng chỉ là trò chơi đơn giản người tung người bắt, hình thức như một cuộc thi giữa hai đội. Tuy nhiên, có một "luật ngầm" trong trò chơi này, đó là thích ai, các cô gái, chàng trai sẽ tung quả pao của mình về phía người đó. Nếu tình cảm với nhau, họ sẽ bắt quả pao đó bằng mọi cách; nếu không, họ sẽ nhường pao cho người khác bắt hoặc để pao rơi.
Chính vì vậy, trò chơi này là phương tiện được các chàng trai, cô gái người Mông ở Nghệ An lựa chọn để chơi, qua đó tìm được những người bạn tâm giao, bắt đầu tình yêu đôi lứa.
Quả pao được phụ nữ Mông khâu nối từ các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh. Theo quan niệm của người Mông, hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Ngày nay, để tạo sắc màu cho quả pao, người Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay lụa tơ tằm để tạo sự mềm mại cho quả pao...
Các chàng trai nhìn vào quả pao có thể biết được cô gái mà mình đang tung pao là con người có tính cách như thế nào, khéo léo, chăm chỉ hay lười biếng, cẩu thả…
Trò chơi ném pao thường được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam - nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau chừng 5 - 7 m. Trò chơi này yêu cầu người ném và người bắt không để cho pao rơi xuống đất, điểm tính bằng số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì thường phải hát, diễn trò hoặc làm một việc gì đó đã được quy định từ trước.
Với nét độc đáo riêng có, ném pao vẫn luôn là trò chơi được đồng bào Mông, nhất là những người trẻ thường xuyên tổ chức. Với họ, trò chơi ngoài ý nghĩa một hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện đôi tay thêm dẻo dai, con mắt thêm tinh tường, phản xạ nhanh, phán đoán chính xác thì đây còn là một sinh hoạt văn hóa. Ở đó họ có thể vừa chơi pao, vừa nói chuyện, hát đối đáp hoặc trao đổi tâm tư, tình cảm với nhau.
Vật cù
Theo sử cũ chép lại thì trò vật cù xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, bắt nguồn từ việc tuyển chọn trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn để bổ sung vào đội quân của tướng quân Phan Đà đuổi đánh quân xâm lược nhà Minh. Các chàng trai tham gia tuyển quân được chia đội, giành nhau một quả cù, nếu bỏ lọt vào lỗ của đội kia sẽ giành phần thắng
Con cù được làm từ những gốc chuối, tốt nhất là gốc chuối hột loại lớn, đào lên lấy củ. Cù được gọt thành hình tròn có đường kính 30cm, trọng lượng 5 - 7kg rồi luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng và có màu sẫm và rất dẻo, không bị nứt vỡ khi chơi.
Sân chơi cù là những khoảng đất bồi bên bờ sông, chiều dài độ 50m, ngang độ 25-30m. Có ba hình thức chơi cù: cù gôn, cù đẩy và cù nước. Cả ba lối chơi này đều có chung hình thức tính điểm và bố trí giống nhau, ở hai đầu sân của mỗi bên là hai chiếc sọt đan bằng nan tre, nứa cao 1,5m, đường kính 50cm, hay đào một hố sâu rộng 50 x 50cm. Bên nào giành và đưa được cù vào sọt (hay vào hố) của đối phương được một điểm.
Cù sẽ được giao giữa sân (dài 50m, rộng 25m), các đội sẽ phải bằng sức mạnh, sự khéo léo, đoàn kết để đưa con cù vào lỗ của đối phương. Ngược lại, các thành viên đối phương sẽ phải tranh cướp quyết liệt, ngăn cản nhằm không để đối thủ bỏ cù vào lỗ của đội mình. Thành viên chỉ được tranh cướp cù, không được ôm, vật đối phương… bởi vậy mỗi trận cù thực sự là một cuộc đấu trí, đấu sức mạnh và phô diễn sự khéo léo, đoàn kết của hai đội.
Chọi gà
Chọi gà (theo cách gọi miền Bắc) hay đá gà (theo cách gọi miền Nam) đã trở thành thú vui dân gian từ nhiều thế kỷ. Chọi gà không chỉ xuất hiện trong ngày hội mà còn là một thú chơi hàng ngày của nhiều người Việt ở đô thị cũng như nông thôn.
Chọi gà được cho là du nhập vào Việt Nam từ thời Lý, trở thành thú vui của các bậc vương tôn quý tộc. Trò chơi này dần lan truyền ra dân gian, đến đời nhà Trần thì phát triển vô cùng mạnh mẽ, làm say mê mọi tầng lớp trong xã hội.
Để có được con gà chọi hay đòi hỏi người phải chơi phải có công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập v.v... Câu ngạn ngữ "Gà tại nó, chó tại ta " ý là gà trước hết phải là gà giống, rồi mới đến kết quả công rèn luyện. Theo kinh nghiệm dân gian, gà cha thế nào thì gà con thế nấy, phải kiếm giống gà tốt, gà “nòi” mà trong đàn chỉ có 1 đến 2 con thôi. Tuy nhiên, một số vùng lại lựa con theo mẹ vì người ta quan niệm “chó giống cha, gà giống mẹ”.
Từ xa xưa, trong dân gian đã lan truyền “chiêu” lựa gà nòi chuẩn: “Đầu công, mình cốc, mắt ốc, chân chì, cánh võ trai, quản ngắn, chẳng thua ai”. Theo những sư kê, chẳng bao giờ họ ưa những con gà đầu to, cổ nhỏ và mềm, còn mỏ lại thô. Gà phải có mống (mào) cao vểnh sang trái, màu đỏ tươi vì loại này nhanh nhẹn, đá dai, lại rất khỏe. Cựa gà là phần quan trọng nhất vì nó chẳng khác gì vũ khí của tướng quân khi lâm trận, cựa gà chọi thì “Cựa sắc đá hay, cựa tày đá kém”. “Cựa nhật nguyệt” là loại cựa mà đầu có một điểm đen và trắng, chỉ có ở “thần kê”, may mắn lắm mới có thể tìm được.
Trong chiều sâu tâm tưởng của nhiều người, trò chơi chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài trong các hội làng xưa.