Tâm sự bây giờ mới kể của thế hệ học trò dùng sách giáo khoa cũ
"Sách giáo khoa ngày xưa chứa đựng thông điệp hướng thiện, lời văn đơn giản, chân thực, giàu ý nghĩa và tính nhân văn. Học rất nhanh thuộc, rất gần gũi", Phi Hồng chia sẻ.
Ngày 29/3, một diễn đàn có hơn 1,5 triệu người theo dõi đăng tải bộ ảnh chụp những trang sách giáo khoa môn Tiếng Việt cũ.
Với việc gợi nhớ tuổi thơ của nhiều thế hệ học sinh 8X và 9X đời đầu, bài đăng nhận được 40.000 lượt thích (like), hơn 44.000 lượt chia sẻ và hàng nghìn bình luận.
Tranh minh họa bài "Hòn đá to" của tác giả Hồ Chí Minh trong SGK Tiếng Việt cũ lớp 2, tập 2, NXB Giáo dục. |
Gần 16 năm đã qua kể từ thời điểm ngành giáo dục chuyển sang dùng bộ sách giáo khoa tiểu học mới, những cuốn sách cũ lặng lẽ rời khỏi tâm trí học trò, lưu lạc trong những hiệu sách cũ hoặc trở thành món hàng đồng nát.
Bỗng một ngày hình ảnh sách giáo khoa cũ lại xuất hiện trên mạng. Những trang sách cũ kỹ, ố vàng gợi nhắc kỷ niệm của bao thế hệ học sinh.
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ
Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve?
Nhớ lại thời đi học nghèo khó, chủ tài khoản Facebook Mộc Trà viết: "Cả tuổi thơ của tôi nhớ những ngày chỉ mong đến cuối tháng 8, mẹ sẽ mua cho vài quyển sách giáo khoa mới, còn lại toàn học sách cũ của em họ. Hít lấy hít để cái mùi sách mới, nó không chỉ là kiến thức nữa, mà là cả bầu trời khát khao, cả bầu trời mơ ước".
Tranh minh họa bài thơ "Cái trống trường em" của tác giả Thanh Hào. |
Lứa học sinh cuối cùng được học sách giáo khoa cũ đến nay đã tốt nghiệp đại học. Đó là thế hệ sinh năm 1995, bước vào lớp 1 năm 2001. Đến năm 2002, lứa học trò sinh năm 1996 là thế hệ đầu tiên sử dụng sách giáo khoa mới.
Đã rời ghế nhà trường nhưng độc giả Nguyễn Thừa vẫn nhớ ký ức 30 năm trước được các chú bộ đội dạy học. Thầy cô hồi đó cũng dạy cho học sinh không lấy tiền, còn cấp cho sách vở để đi học.
"Hồi đó đâu có nhiều tập vở như bây giờ, chỉ có một cuốn Toán, một cuốn Tiếng Việt và một cuốn tập để viết. Ai có tiền thì mua cặp, không có thì lấy bọc ni lông để vào cũng đi học như ai", Nguyễn Thừa nhớ lại.
Với bạn đọc Hà Dung, cuốn sách giáo khoa cũ gắn liền hình ảnh bà ngoại. "Ngày xưa, bà ngoại còn sống vẫn hay ngồi đọc chính tả cho mình chép mấy bài này, rồi dạy chu vi hình chữ nhật. Mỗi lần nhìn lại mấy bài thơ này, sống mũi cứ cay cay".
Truyện ngụ ngôn "Đẹp mà không đẹp" trong sách Tiếng Việt cũ. |
"Sách giáo khoa ngày xưa chứa đựng những nét hướng thiện, lời văn đơn giản, chân thực, giàu ý nghĩa và tính nhân văn. Khi học rất nhanh thuộc, rất gần gũi", chủ tài khoản Facebook Phi Hồng nêu quan điểm.
Các bài văn, thơ được sử dụng trong sách giáo khoa Tiếng Việt cũ đều hướng học sinh tới những giá trị đạo đức căn bản. Mọi người phải đối xử tử tế với nhau. Cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng. Đan xen với đó là những vần thơ mang màu sắc cổ tích:
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện,
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,
Thấy chú bé đi hài bảy dặm,
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền.
Bài tập đọc Hòn đá to, Bó đũa, Con cáo và tổ ong, Đẹp mà không đẹp... với những nét vẽ minh họa giản dị là câu chuyện đẹp đầu tiên góp phần hình thành nhân cách của lứa học sinh ngày ấy.
Năm học 2002-2003, bộ sách giáo khoa ở hai cấp tiểu học và THCS được thay bằng sách giáo khoa mới. |
Có ý kiến cho rằng hình ảnh trong sách giáo khoa đã ghim sâu vào tâm trí mỗi người một thế giới bình dị và yên ả, trong khi cuộc đời thực phức tạp và sóng gió hơn. Sách giáo khoa nuôi dưỡng cho học sinh những ý niệm về chân - thiện - mỹ, là niềm cảm hứng để sau này các em đương đầu với khó khăn và bảo vệ những giá trị tốt đẹp.
Hoàng Duyên - cô giáo người dân tộc - sau khi xem lại những trang sách giáo khoa cũ đã sống lại tuổi thơ của mình: "Những bài học bình dị đi vào lòng tôi như câu ca, là khi thầy bảo không nhìn ra ngoài thì cắp cặp đi ra vì không hiểu tiếng phổ thông, là cảnh bố mẹ cầm tay uốn nắn từng nét bút nguệch ngoạc, là giây phút hạnh phúc khi đọc thông thạo những thứ chữ nhỏ li ti trên các tờ báo cuối năm lớp 1, là ngày vẽ lại hình ảnh cô giáo tiểu học đang giảng bài, bên dưới là dòng chữ ước mơ của tôi".
Đúng như ước mơ thời tiểu học, Hoàng Duyên thi đỗ sư phạm và trở thành cô giáo vùng cao.