Giá ô tô miễn thuế nhập khẩu từ ASEAN không giảm như kỳ vọng
Lô ô tô đầu tiên nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% từ Thái Lan về Việt Nam đang phân phối ra thị trường nhưng giá bán thực tế lại không giảm như kỳ vọng của nhiều người.
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô đáp ứng tỉ lệ nội địa nội khối hóa theo quy định (trên 40%) bắt đầu giảm về 0% thay vì mức 30% như năm 2017. Điều này, dấy lên nhiều hy vọng với những người đang có ý định mua sắm ô tô tại Việt Nam. Bởi trên lý thuyết, thuế nhập khẩu giảm về 0% sẽ tác động đến giá xe nhập từ ASEAN, qua đó tạo sức cạnh tranh với ô tô lắp ráp trong nước… viễn cảnh ô tô ồ ạt giảm giá có thể xảy ra. Vì vậy, trong suốt cả năm 2017 đến nay, không ít khách hàng dù “có điều kiện” vẫn luôn mang tâm lý chờ đợi đến thời điểm xe nhập miễn thuế từ ASEAN về Việt Nam mới “xuống tiền”.
Đây cũng là yếu tố khiến lượng tiêu thụ ô tô tại VN giảm mạnh trong năm 2017 cũng như những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, khi ô tô miễn thuế nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là các mẫu xe Honda, đã bán ra thị trường, nhiều khách hàng thực sự đã “vỡ mộng”.
Thuế về 0%, giá xe vẫn “án binh bất động”
Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm từ 30% về 0% từ năm 2018, giá bán các mẫu xe này tới tay người tiêu dùng sẽ giảm khoảng 23%.
Tuy nhiên, đến nay khi lô xe đầu tiên với số lượng gần 2.000 chiếc của Honda nhập từ Thái Lan nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% đã ra thị trường, giá bán xe vẫn “án binh bất động”.
Giá bán một số mẫu ô tô miễn thuế nhập khẩu không giảm sâu như kỳ vọng |
Ngoài mẫu Honda Jazz lần đầu tiên phân phối tại Việt Nam nên nhiều người vẫn chưa có cơ sở để so sánh giá, còn lại các phiên bản Civic, Accord thuộc dòng sedan vẫn giữ nguyên giá so với năm 2017. Cụ thể, giá bán Accord 2.4L vẫn ở mức 1,198 tỉ đồng. Trong khi đó, phiên bản Civic 1.5L sau nhiều lần giảm giá trong năm 2017, đến nay vẫn được các đại lý bán ra với mức 898 triệu đồng. Hai phiên bản khác của mẫu xe này có giá thấp hơn, nhưng lại thiếu hụt một số trang bị tính năng.
Đối với dòng xe Honda CR-V 7 chỗ sau khi ra mắt thị trường, lô xe đầu tiên nhập về VN được thông quan vào cuối tháng 12.2017, chịu thuế nhập khẩu 30% vì vậy có giá bán lên 1,136 - 1,265 tỉ đồng. Bước sang tháng 3.2018, các phiên bản của CR-V mới cũng chiếm gần một nửa lô xe 2.000 chiếc Honda nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% từ Thái Lan về Việt Nam. Theo như tính toán ban đầu, giá bán CR-V trong lô hàng này sẽ giảm khoảng 23% tương đương từ 261 - 290 triệu đồng so với trước đó, do thuế nhập khẩu giảm từ 30% về 0%.
Bên cạnh xe lắp ráp, một số mẫu ô tô nhập khẩu từ ASEAN đã bán ra thị trường |
Tuy nhiên, sau gần 3 tuần hoàn tất các thủ tục giấy tờ, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải theo quy định tại Nghị định 116/2017 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT, Honda CR-V được bán tại các đại lý với giá 958 triệu đồng đến 1,068 tỉ đồng. Mức giá này chỉ giảm từ 178 - 188 triệu đồng tương đương 15 - 16% so với lô xe CR-V từng chịu thuế nhập khẩu 30%.
Trên thực tế mức giảm này thực sự không như kỳ vọng của nhiều người tiêu dùng, đồng thời vẫn còn cao hơn mặt bằng giá của CR-V tại các thị trường như Malaysia, Indonesia…
Ô tô khan hàng, đừng mơ giá giảm
Việc giá ô tô hưởng thuế 0% từ ASEAN về Việt Nam không giảm sâu như kỳ vọng của người tiêu dùng trong nước được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, đại diện một DN nhập khẩu ô tô cho rằng, việc thực hiện các quy định mới về nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116/2017 và Thông tư số 03/2018, khiến DN phải tốn thêm chi phí.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ phải kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với lô xe đầu tiên nhập về Việt Nam như trước đây. Hiện tại, mỗi lô xe nhập về VN, trước khi được thông quan đều phải lấy mẫu kiểm tra theo quy định mới. Điều này, khiến DN phải tăng thêm chi phí bảo quản, lưu kho bãi tại cảng, vì vậy giá bán xe không thể giảm sâu.
Ô tô nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng các quy định mới theo Nghị định 116/2017 và Thông tư số 03/2018 |
Thời gian tính từ khi DN đặt hàng sản xuất tại nhà máy cho đến khi ô tô được nhập khẩu, thông quan đến tay khách hàng cũng kéo dài hơn so với trước.
Đây cũng chính là lý do khiến nguồn cung ô tô nhập khẩu trên thị trường bị chậm trễ. Một vài dòng xe như Toyota Fortuner, Honda CR-V… rơi vào cảnh khan hàng. Khách hàng dù đã ký hợp đồng đặt cọc nhưng nếu muốn nhận xe sớm phải bỏ thêm chi phí cho nhân viên bán hàng hoặc chấp nhận mua thêm một số phụ kiện kèm theo xe. Điều này khiến giá bán ô tô nhập trên thị trường tưởng chừng sẽ giảm sâu sau khi thuế nhập khẩu về 0% nhưng trên thực tế lại “không như là mơ”.
Một số khách hàng sẵn sàng bỏ thêm tiền mua phụ kiện để được nhận xe sớm |
Hiện tại, ngoài Honda Việt Nam, vẫn chưa có hãng xe nào tiếp theo đưa được các mẫu mã ô tô nằm trong diện được miễn thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN về Việt Nam. Động thái này, khiến ô tô nhập khẩu không đủ sức cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước, mặt bằng giá ô tô theo đó cũng khó giảm sâu như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, ước tính trong tháng 3.2018, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt khoảng 5.000 ô tô nguyên chiếc, giá trị kim ngạch đạt 115 triệu USD. So với tháng 2.2018 lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng 25 lần. Tính trung bình, mỗi chiếc ô tô nhập về Việt Nam trong tháng 3.2018 có giá khoảng 23.000 USD, tương đương 524 triệu đồng.