Kim tiêm siêu nhỏ tan trong da

khoahoc.tv 02/04/2018 12:32

Nỗi sợ hãi kim tiêm giờ đây chỉ còn là chuyện nhỏ nhờ một thiết bị thay thế mới do các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas, Dallas (Mỹ) phát minh.

Theo phương pháp mới, thuốc sẽ vẫn được tiêm vào cơ thể, nhưng bằng một kim tiêm siêu nhỏ và không gây ra bất cứ cảm giác đau nào. Mũi tiêm mỏng đến độ sẽ tan ngay dưới da khi đã đưa đủ lượng thuốc vào cơ thể. Mặc dù không áp dụng với tất cả, nhưng mũi tiêm này có thể đưa vào cơ thể rất nhiều loại thuốc được chế tạo từ các hợp chất có kích thước phân tử nhỏ.

Theo như bài báo công bố trên ChemRxiv, nhóm nghiên cứu giải thích: những mũi tiêm được sản xuất bằng kỹ thuật in 3D FDM (fused deposition modeling). Đây là công nghệ tạo mẫu nhanh, sử dụng đầu ép phun được điều khiển bằng CNC (gia công cơ khí tự động) làm vật liệu dạng sợi dẻo bị chảy và đùn ra để tạo nên một mặt cắt của mẫu.

Vật liệu được sử dụng để làm mũi kim ở đây là polylactic acid – một loại nhựa dẻo nóng, có khả năng phân hủy sinh học và được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ.


Mũi tiêm siêu nhỏ có khả năng tan ngay dưới da. (Ảnh: Futurism).

Để đạt được hình dạng như mong muốn, các mũi tiêm sẽ được khắc hóa chất sau khi in. Kích thước đầu mũi tiêm nhỏ đến mức 1 micromet (106m) và rộng 400 - 600 micromet. Thử so sánh, tế bào hồng cầu người có kích cỡ khoảng 5 micromet.

Hiện nay, mũi tiêm dưới da vẫn được coi là tiêu chuẩn trong việc tiêm ngừa, tuy nhiên chúng lại có thể gây đau, và để lại những vết thâm xấu xí nếu không thao tác không được chuẩn xác. Đồng thời, rác thải từ những mũi tiêm đã qua sử dụng cũng là mầm mống gây bệnh sinh học nguy hiểm. Vì thế, loại kim siêu nhỏ này được phát minh để có thể giải quyết những vấn đề trên bởi chúng không gây đau đớn, có thể sử dụng cho nhiều đối tượng và không tạo ra rác thải.

Dẫu vậy, loại kim này vẫn có nhược điểm là: dù có thể sản xuất với chi phí rẻ nhưngcác thiết bị cần thiết để phục vụ in 3D lại có giá thành khá cao. Tuy nhiên, các thử nghiệm trên giấy parafilm, da lợn đã mang lại kết quả khả quan khi 84% số mũi tiêm đã được hòa tan.

khoahoc.tv